Công nghệ dự báo tuổi thọ qua gen

Với sự phát triển của khoa học, những dự báo về tương lai ngày càng chính xác và mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Từ việc dự báo xu hướng phát triển, tiến hoá của loài người, dự báo trước những nguy cơ bệnh tật… cho tới các dự báo về tuổi thọ của con người thông qua phân tích gen, đối với khoa học dường như không có điều gì là không thể.

Từ ý tưởng đến hiện thực

Bằng cách phân tích gen, các nhà khoa học tại Trường đại học Texas Southwestern Medical Centre, Dallas, Mỹ có thể đọc được quá trình sống của một người sẽ phải đối mặt với các nguy cơ mắc các bệnh tật gì, tuổi thọ sẽ kéo dài ra sao… và tất cả quá trình này chỉ tiêu tốn khoảng 400 đô-la Mỹ.

Nhờ công nghệ mới, các nhà nghiên cứu có thể đọc được tuổi thọ sinh học của con người thông qua độ dài cấu trúc nằm ở cuối các chuỗi chromosome còn có tên gọi là telomeres. Giới khoa học cho rằng: telomeres là yếu tố chỉ dẫn quan trọng cho biết tuổi thọ của một người có thể kéo dài bao nhiêu.

Tiến sĩ Maria Blasco – người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia Tây Ban Nha, đồng thời từng là người nghiên cứu về cấu trúc của telomeres cho biết: Nếu như đoạn telomeres ở một người ngắn hơn mức bình thường thì đó là dấu hiệu báo trước người đó sẽ có nguy cơ bị chết trẻ hơn so với những người mà cấu trúc gen của họ có đoạn telomeres dài hơn.

Tuy nhiên, việc dự báo ở đây cũng chỉ mang tính tương đối chứ không thể dự báo chính xác con số ngày tháng năm mà con người đó có thể đạt được. Theo giới chuyên gia, công nghệ phân tích cấu trúc đoạn telomeres sẽ trở nên phổ biến trong vòng 5 – 10 năm tới.

Kiểm tra tuổi thọ sinh học thông qua test gen đo độ dài
cấu trúc đoạn telomeres bằng thiết bị pandora’s box.

Việc kiểm tra đoạn telomeres rất đơn giản, nhanh chóng và cho kết quả khá chính xác. Một thiết bị khoa học chuyên dụng có tên pandora’s box có thể phát hiện dù chỉ là một khác biệt rất nhỏ trên đoạn telomeres, trong khi các nhà khoa học tiến hành các phân tích khác như mẫu máu và gen. Quan trọng nhất vẫn là xác định được độ dài của đoạn telomeres trên chuỗi chromosome. Các nhà khoa học gọi độ dài cấu trúc đoạn telomeres là “độ dài sự sống” – “life length” của con người.

Hiện loại thiết bị chuyên dụng dùng cho việc kiểm tra độ dài cấu trúc đoạn telomeres được cung cấp bởi một số hãng cung cấp thiết bị y tế tại Mỹ.

Ngoài việc dự báo nguy cơ mắc các bệnh và các nguy cơ về thể chất có thể đe doạ đến tính mạng của người bệnh, để xác định chính xác tuổi thọ sinh học của một người, cần kết hợp với các kết quả xét nghiệm khác về máu. Bởi từ việc xét nghiệm máu còn cho biết tốc độ lão hoá diễn ra trong cơ thể con người. Theo GS. Shay: “Tốc độ lão hoá cũng có vai trò tác động rất tích cực đến tuổi thọ của con người. Nó góp phần tác động đến tốc độ già đi nhanh hay chậm và tốc độ diễn ra sự suy giảm các chức năng trong cơ thể và điều này kết hợp với độ dài telomeres sẽ cho ta biết người đó có thể sống như một thực thể sinh học đến thời điểm nào là tối đa”.

Vấn đề duy nhất gây tranh cãi là việc xã hội sẽ có những phản ứng khác nhau trước công nghệ phân tích gen dự báo tuổi như thế nào? Ít ai lại có thể tỏ ra lạc quan khi biết trước khi nào mình sẽ chết.

Và tất nhiên, việc dự báo tuổi thọ cũng không tránh được những thiếu sót và đôi khi là cả những nhầm lẫn khó tránh khỏi vốn được xem là những tai nạn trong quá trình phân tích, song lại có thể gây ảnh hưởng tới mạng sống của cả một con người. Đối diện với một tin xấu về cuộc sống của mình, không ai có thể biết được người bệnh sẽ cảm thấy như thế nào.

Việc dự báo tuổi thọ sinh học tất nhiên có liên quan tới vấn đề nhân đạo. Theo TS. Maria Blasco, phân tích khoa học có thể cho ta biết những người có đoạn telomeres ngắn hơn bình thường thì tuổi thọ thấp hơn, song vẫn chưa thể khẳng định: liệu những người có độ dài chuỗi telomere dài hơn bình thường thì có tuổi thọ cao hơn hay không. Ngoài ra, sự ra đời của pandora’s box còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và đang vấp phải những tranh cãi.

Một số ý kiến của giới khoa học cho rằng, việc dự báo tuổi thọ qua gen chỉ nên dừng ở mức độ nghiên cứu khoa học và mang tính tham khảo. Dù sao việc dự báo chỉ có thể nói lên tuổi thọ về mặt sinh học của con người, chứ không thể dự báo chính xác về tương lai.

 

Theo Việt Báo