Theo các nhà sinh học vũ trụ Mỹ, trong vòng 20 năm tới, các công nghệ mới sẽ cho phép phát hiện những hành tinh giống Trái Đất và những dạng sống trong các hệ Mặt Trời khác thuộc dải Ngân Hà.
Bà Margaret Turnbull, một nhà sinh học vũ trụ thuộc Cơ quan NASA khẳng định rằng, từ năm 1995, các nhà thiên văn đã phát hiện 212 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, đa số là các hành tinh thể khí như sao Mộc với khối lượng to gấp 4.000 đến 5.000 lần Trái Đất và quay quanh các ngôi sao xa trong dải Ngân Hà. Tuy nhiên, các hành tinh song sinh với Trái Đất quá nhỏ nên không thể phát hiện với các dụng cụ hiện nay.
Nhà thiên văn John Trauger thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA vừa phát minh một kỹ thuật mới là loại bỏ các ánh phản chiếu của ngôi sao để phân biệt hành tinh quay quanh nó. Kỹ thuật này sẽ được thử nghiệm trong vài tháng tới.
Tàu Soyuz mang theo kính viễn vọng Corot cất cánh ngày 27/12/2006 (Ảnh: HTV) |
“Kỹ thuật này hiệu quả gấp 1.000 lần so với các kỹ thuật được thử nghiệm cho tới nay“, ông Trauger nói.
Theo bà Turnbull, các sứ mệnh Corot của châu Âu và Kepler của Mỹ có nhiều triển vọng phát hiện điều mới lạ.
Kính viễn vọng Corot được phóng đi từ tháng 12 năm ngoái, mang theo những dụng cụ đo ánh sáng của ngôi sao cho phép truy tìm các hành tinh có kích thước trung bình tương tự như các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Corot sẽ quan sát 120.000 ngôi sao trong Dải Ngân Hà vốn chứa hơn 400 tỉ ngôi sao.
Cuối năm 2008, tàu thăm dò Kepler của Mỹ trang bị những dụng cụ nhạy cảm hơn, sẽ thay thế kính viễn vọng Corot. Dụng cụ đo ánh sáng của nó sẽ cho phép phát hiện hành tinh có kích thước bằng Trái Đất đi qua một ngôi sao trong vòng vài giờ.
Tuy nhiên nếu muốn quan sát trực tiếp một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời giống Trái Đất, phải chờ Đài quan sát Terrestrial Planet Finder (TPF) của NASA trang bị hai siêu kính viễn vọng không gian. TPF được dự kiến phóng đi vào năm 2016.
Cơ quan không gian châu Âu cũng có dự án Darwin cho năm 2015. Đây là một tập hợp các kính viễn vọng không gian nhỏ tạo thành một giao thoa kế cực mạnh cho phép phân tích bầu khí quyển của các hành tinh ngoài Trái Đất.
V.N
Theo AFP, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh