Israel đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về các tiến bộ trong công nghệ tách muối với năm nhà máy tách muối đang hoạt động ngày đêm, tạo ra trên 50% nguồn nước uống “nhân tạo”. Thành công này không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước mà còn mở ra cho Israel một cơ hội xuất khẩu nước ngọt và các công nghệ độc quyền cho nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tự cứu mình trước khi trời cứu
Với đặc điểm khí hậu Địa Trung Hải kết hợp với khí hậu sa mạc (gần một nửa diện tích của Israel là sa mạc), Israel phải đối mặt với tình trạng thiếu nước triền miên và sa mạc hóa. Các nguồn nước truyền thống của Israel bị suy thoái nhanh chóng do lượng mưa thấp, dân số gia tăng và nhu cầu ngày một tăng đối với nước sinh hoạt và nước sử dụng cho nông nghiệp. Tình trạng thiếu nước lên tới đỉnh điểm khi Israel phải hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài 7 năm, bắt đầu từ năm 2005 và cao trào là mùa đông giai đoạn 2008-2009. Các nguồn nước tự nhiên của Israel – gồm có biển Galilee ở phía Bắc và các tầng ngậm nước ven biển – bị suy thoái mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nước. Tương lai còn “ảm đạm” hơn khi các mô hình khí hậu đều dự đoán rằng Israel vẫn tiếp tục xu hướng giảm nguồn nước tự nhiên cho tới năm 2035.
Đứng trước thực trạng trên, chính quyền Israel đã thực thi nhiều biện pháp để tăng cung, giảm cầu. Người dân được khuyến cáo nên giảm bớt hai phút thời gian tắm mỗi ngày, việc rửa ô tô bằng vòi phun nước bị cấm, và trẻ nhỏ được giáo dục trở thành một “đội quân cảnh sát nước tí hon”, biết nhắc nhở người lớn trong gia đình sử dụng tiết kiệm nước. Chính phủ Israel cũng thực hiện những biện pháp cắt giảm mạnh tay đối với quota nước hằng năm cho nông dân, từ đó chấm dứt tình trạng sử dụng nước phung phí kéo dài hàng thập kỷ do chế độ bao cấp nước dùng trong nông nghiệp.
Nhà máy tách muối bên bờ biển gần thị trấn Hadera, Israel.
Năm 2009, Israel còn áp dụng hệ thống thuế hai tầng, theo đó những hộ gia đình tiêu thụ nhiều nước hơn quy định sẽ phải chịu mức giá cao hơn, và phần gia tăng này sẽ được dùng để trợ giá cho những hộ gia đình có nhu cầu sử dụng nước thấp; đồng thời, Ủy ban Nước đã được thành lập vào năm 2007 với nhiệm vụ chuyên trách về nguồn nước, chẳng hạn như nhân viên của ủy ban này đi tới từng nhà để lắp đặt miễn phí các thiết bị gắn vào đầu vòi hoa sen và vòi nước; những thiết bị này giúp đưa không khí vào dòng nước, nhờ đó tiết kiệm được khoảng 1/3 lượng nước tiêu thụ trong khi vẫn tạo ra cảm giác dòng chảy mạnh cho người sử dụng. Theo thông tin của chính phủ Israel, việc sử dụng nước “thông minh” đã giúp làm giảm 18% lượng nước tiêu thụ tại các hộ gia đình ở quốc gia này.
Mặc dù nhiều biện pháp tăng cung, giảm cầu đối với nguồn nước đã được thực hiện, song cuộc khủng hoảng nguồn nước vẫn là nỗi bất an đối với Israel. Trong bối cảnh này, công nghệ tách muối đã trở thành “vị cứu tinh” cho Israel. Đây không phải là công nghệ mới, song từ lâu nhiều nơi trên thế giới hạn chế sử dụng phương pháp này do đặc điểm tiêu tốn năng lượng và thải ra nhiều carbon. Vì vậy, kế hoạch xây dựng nguồn nước quốc gia dài hạn của Israel có sự phối hợp của cả hai khu vực nhà nước và tư nhân. Chẳng hạn, Ashkelon, nhà máy tách muối lớn nhất thế giới, được các công ty tư nhân xây dựng với số vốn bỏ ra là 200 triệu đô la; đổi lại, chính phủ Israel hứa sẽ mua một số lượng nước nhất định hàng năm từ nhà máy này, đồng thời tiếp nhận quyền sở hữu nhà máy vào năm 2027. Và với sự phát triển của khoa học, công nghệ này đang ngày một rẻ hơn, sạch hơn và tiết kiệm năng lượng hơn (hiện nay, Israel đã có thể sản xuất ra nguồn nước tách muối rẻ nhất thế giới với giá khoảng 14.000VND/m3).
Tính riêng trong thập kỷ qua, tại Israel đã mọc lên bốn nhà máy tách nước quy mô lớn, có khả năng tạo ra trên 130 tỉ gallon nước mỗi năm. Hiện nay, trên 50% nguồn nước được sử dụng cho các hoạt động dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp ở Israel là nước nhân tạo. Shlomo Wald, chuyên gia trưởng tại Bộ Năng lượng và Nguồn nước Israel tự hào cho biết: “Israel là trung tâm các bí quyết tách muối trên thế giới. Chúng tôi không sản xuất màng lọc, chúng tôi không sản xuất máy bơm, nhưng chúng tôi có kiến thức uyên thâm về kỹ thuật xử lý nước cũng như cách thiết kế, xây dựng và vận hành một nhà máy tách nước”.
Tách muối và xa hơn nữa
Tuy nhiên, hoạt động tách muối cũng không phải là không tiềm ẩn những rủi ro về sinh thái và đe dọa đời sống biển, đồng thời gia tăng giá thành sử dụng nước. Dẫu vậy, “Vấn đề chính của thế giới trong tương lai là cuộc khủng hoảng nguồn nước. Ai ai cũng hiểu rằng nhu cầu sử dụng nước mỗi ngày một tăng lên”, Gilad Erdan, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Israel, cho biết. Ý thức được điều này, bên cạnh công nghệ tách muối, Israel cũng phát triển nhiều công nghệ giúp bảo tồn nguồn nước. Hiện nay, thông qua đạo luật đặc biệt nâng cao các tiêu chuẩn xử lý nước thải, Israel cũng là quốc gia đi đầu thế giới về việc tái chế và tái sử dụng nước thải cho nông nghiệp. 86% nước thải nội địa của Israel đều được tái chế – đây là con số không hề nhỏ nếu như so với quốc gia tái chế nước nhiều thứ hai của thế giới là Tây Ban Nha với tỉ lệ nước thải được tái chế là 20% (Mỹ chỉ có khoảng trên 1%). Theo cách nói của Distel thì, “ở Israel, chúng tôi dùng mỗi giọt nước hai lần”.
Muối biển.
Ngoài ra, Israel cũng được coi là quốc gia đi đầu trong công nghệ tưới nhỏ giọt. Theo số liệu của Ủy ban Tưới tiêu Quốc tế, khoảng 90-95% nền nông nghiệp Israel sử dụng công nghệ tưới tiêu, trong khi Mỹ mới dừng ở mức khiêm tốn là dưới 7%.
Theo phân tích của các chuyên gia nước Israel, chính nhờ kết hợp nhiều biện pháp – từ tận dụng nguồn nước mưa, tái chế nước thải, tách muối ở nước biển, cho đến những chiến dịch quy mô lớn nhằm bảo tồn nguồn nước – mà ngày nay Israel gần như không còn phải lo lắng về tình trạng hạn hán. Có thể coi đây là một điều kỳ diệu nếu như xét đến nghiên cứu mới được NASA công bố hồi tháng 3 đầu năm 2016 rằng trong giai đoạn 1998-2012, khu vực miền đông Địa Trung Hải chịu cơn hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 900 năm trở lại đây.
Không ngủ quên trên chiến thắng, hiện nay Israel vẫn tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển để cải thiện nguồn nước. Giáo sư Yoram Oren thuộc Đại học Ben-Gurion, Israel, chia sẻ: “Tiếng gọi của môi trường đang nói với chúng ta rằng hãy tìm thêm thật nhiều cách hiệu quả để xử lý nước, không chỉ là nước biển mà là tất cả nguồn nước hiện tại – nước thải, nước nông nghiệp, nước đô thị. Phải có thêm nhiều công nghệ phức tạp hơn nữa bởi vì ngày nay, chúng ta không chỉ đơn thuần phải bảo vệ nguồn nước khỏi nhiễm mặn mà còn khỏi các hợp chất hữu cơ, hợp chất vô cơ, vi khuẩn, virus, protein, đường, và vô vàn tạp chất khác trong nước”.