Việc dùng tem điện tử cho rượu ngoại khiến vấn nạn rượu giả có thể bị đẩy lùi bởi những tiện ích được tích hợp gần như hoàn hảo.
Ứng dụng công nghệ tem điện tử ngăn chặn rượu ngoại giả nhập khẩu
Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có ý kiến chỉ đạo về Đề án ứng dụng công nghệ tem điện tử trong quản lý hải quan đối với rượu nhập khẩu. Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý hải quan đối với rượu nhập khẩu.
Nói lại Đề án này trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1 năm 2015 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Dương Thái – Phó tổng cục trưởng Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia) từ năm 2014, cùng với đó là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Việc trình Thủ tướng Chính phủ đề án ứng dụng tem điện tử vào quản lý rượu, là một trong những nội dung của hệ thống này.
Liên quan đến tác dụng của tem điện tử, ông Thái cho biết đó là loại tem có thể khai thác nhiều thông tin, về doanh nghiệp và hàng hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Hải quan. Theo đó, tem điện tử được thiết kế với ba thông số quan trọng bao gồm mã bảo vệ được in chìm riêng một góc như mã thẻ cào điện thoại; mã vạch kép phục vụ việc kiểm tra xem thông tin và cuối cùng là seri tem là số thứ tự cấp dán được hiển thị trên tem.
Sắp tới, người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua rượu ngoại
“Việc áp dụng tem điện tử mục tiêu là bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp và nhiều thông tin khác từ mã bảo vệ. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể truy cập trang web in sẵn trên tem để kiểm tra, hoặc nhắn tin theo hướng dẫn để nhận thông tin phản hồi bao gồm tất cả thông tin cơ quan Hải quan có”, Phó tổng cục trưởng Hải quan nói.
Theo chia sẻ của Phó tổng cục trưởng Hải quan, so với tem giấy truyền thống thì tem điện tử có độ bảo mật cao hơn và nhận biết tem giả dễ dàng hơn. Bởi khi nhập mã số chìm trên tem điện tử, nếu không truy cập được vào hệ thống hoặc không có phản hồi thông tin, người dùng sẽ biết ngay hàng giả.
Chia sẻ về loại tem giấy đang được sử dụng để dán trên rượu nhập khẩu hiện nay, Phó Tổng cục trưởng cho biết, nóvẫn có hệ thống in ấn, hệ thống bảo an, tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ, với những thủ đoạn tinh vi, tem này vẫn có thể làm giả.
Với tem điện tử, người tiêu dùng chỉ cần truy cập mã bảo vệ, nếu không nhận được phản hồi tức là tem giả. Đây là đề án đầu tiên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về áp dụng mã điện tử trong quản lý rượu nhập ngoại. Với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống mã vạch để quản lý hiệu quả các mặt hàng khác ngoài rượu như thuốc lá, xì gà…
Việc triển khai thực hiện đề án tem điện tử này dự kiến, trong quý 3 hoặc quý 4 năm 2015.
Hiện nay, các sản phẩm rượu sản xuất trong nước, rượu nhập khẩu đều đang được dán tem trên bao bì theo Thông tư số 160/2013/TT-BTC quy định, sản phẩm rượu sản xuất trong nước để tiêu thụ, lưu hành trên thị trường (có hiệu lực từ 1/1/2014).
Cụ thể, rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng); mỗi chai được dán 01 con tem vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu…) đảm bảo khi mở nắp chai thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai, hũ, bình trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài.
Riêng đối với rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu; sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài và rượu nhập khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành, không phải dán tem trên bao bì sản phẩm.
Theo VietQ