Chương trình của ESA, gọi là Hệ thống thay thế hỗ trợ sự sống vi sinh thái (MELiSSA), có phần tiến bộ hơn và được thiết kế để biến chất thải của con người thành oxy, thực phẩm và nước. Nhà máy đầu tiên cho MELiSSA được xây dựng năm 1995 và dự kiến nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014…
Nông trại gà không đầu
Năm 2012, Andre Ford – sinh viên kiến trúc, Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh – đưa ra ý tưởng thành lập một dự án khá kỳ cục gọi là Trung tâm Chăn nuôi Vô thức. Mục đích của Ford là thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ thịt gà đồng thời bảo đảm “cư xử” với động vật một cách nhân đạo hơn. Ford đề nghị cắt bỏ lớp vỏ não nơi đầu gà để giúp con vật mất đi bất kỳ cảm giác đau đớn nào. Và cả hai chân gà cũng được cắt bỏ.
Nhưng, để nuôi lớn con gà, phần cuống não phải được giữ nguyên và được kích điện thường xuyên nhằm kích thích cơ. Sau đó, những con gà vô thức sẽ được nuôi trong hệ thống đặc biệt giống như tử cung.
Ford cũng đề nghị sử dụng máu gà để bón cho cây trồng. “Dự án” của Andre Ford sau đó đã gây nhiều tranh cãi.
Miếng dán cung cấp dưỡng chất
Miếng dán tẩm dược chất được sử dụng trong y khoa từ lâu. Thế nhưng, các nhà khoa học trong Chương trình Cấp lương thực cho chiến trường của Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất một cấp độ cao hơn dành cho miếng dán y khoa gọi là Hệ thống Phát tán dưỡng chất qua da (TDNDS).
Miếng dán thực phẩm này chứa đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể con người và có thể được binh sĩ ngoài chiến trường sử dụng để… chống đói! Ngoài ra, miếng dán còn là một bộ xử lý microchip, tính toán nhu cầu dưỡng chất của binh sĩ và sau đó tiết ra một lượng vừa đủ.
Giới chức quân sự Mỹ hy vọng những miếng dán này giúp binh sĩ chống chọi với cơn đói cho đến khi có thức ăn thật sự. Các chuyên gia hy vọng công nghệ này sẽ được áp dụng vào năm 2025.
Tiến sĩ C. Patrick Dunne tin rằng phát minh “miếng dán thực phẩm” có ích cho những người làm việc trong điều kiện căng thẳng, như là thợ mỏ và phi hành gia.
Chất thải con người… có thể ăn được!
Năm 2009, Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) thông báo có nỗ lực cải thiện một “hệ thống” mà họ tin vào một ngày nào đó sẽ được sử dụng để duy trì sự sống cho con người trong không gian hay thậm chí trên các hành tinh khác: Ý tưởng phát sinh sau khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát triển hệ thống tương tự trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) giúp biến chất thải của con người thành nước uống được.
Chương trình của ESA, gọi là Hệ thống thay thế hỗ trợ sự sống vi sinh thái (MELiSSA), có phần tiến bộ hơn và được thiết kế để biến chất thải của con người thành oxy, thực phẩm và nước. Nhà máy đầu tiên cho MELiSSA được xây dựng năm 1995 và dự kiến nhà máy thứ hai sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014.
Âm nhạc giúp thay đổi khẩu vị
Một nghiên cứu mới đây do Đại học Oxford tiến hành phát hiện âm thanh có tác động đến vị giác con người. Ví dụ: Âm thanh cao tạo thêm vị ngọt cho thức ăn, âm thanh trầm gây nên vị đắng hơn.
Russel Jones, thuộc nhóm nghiên cứu cho biết khám phá này sẽ có rất nhiều ứng dụng, như là giảm lượng đường trong chế biến món ăn, cải thiện sức khỏe mà không bị mất cảm giác ngọt. Trước đó, một số nhà hàng đã ghi thêm mục tăng cường âm thanh trong menu.
Bếp trưởng Heston Blumenthal của nhà hàng The Fat Duck ở Anh cung cấp một iPod phát giai điệu rì rào của sóng biển trong khi thực khách thưởng thức các món hải sản giúp họ cảm nhận được vị mặn của biển.
Thực phẩm có thể hít được
Xu hướng “hít thực phẩm” kỳ quái đã xuất hiện từ năm 2012. Nó bắt đầu khi Giáo sư David Eswards, Đại học Havard sáng chế một thiết bị gọi là “Le Whif” phun sương mùi chocolate không sữa.
Sản phẩm sau đó trở thành “công cụ” cho những người châu Âu ăn kiêng và họ cho biết nó giúp giảm bớt sự thèm ăn. Xu hướng sau đó có được chỗ đứng chắc chắn ở Bắc Mỹ và được bếp trưởng Norman Aitken người Canada cải tiến thành “Le Whaf”.
“Thiết bị” của Aitken bao gồm một cái bình được gắn bộ phát sóng siêu âm dưới đáy. Thực phẩm, thường là món súp, được cho là bình cho sóng siêu âm tác động cho đến khi bốc lên thành đám mây và thực khách sử dụng ống hút để hít.
Hạt giống trồng trong không gian
Từ thập niên 80 thế kỷ trước, Trung Quốc đã gửi hạt giống ra ngoài không gian vũ trụ và sau đó các nhà khoa học nước này tuyên bố họ đã thu được các kết quả thú vị. Theo họ, các hạt giống được “trồng” ngoài không gian phát triển nhanh hơn và to lớn hơn khi ở trái đất. Giáo sư Liu Luxiang cho biết, công việc nghiên cứu của họ giúp tạo ra các giống mạnh khỏe hơn.
Giáo sư Liu than phiền về sự ám ảnh đối với các cây trồng quá to lớn của giới truyền thông và nhấn mạnh: “Kích cỡ không là trọng tâm của chương trình. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến sản lượng của cây trồng”. Trong khi hiệu quả của bức xạ vũ trụ chưa được đưa ra, Giáo sư Liu hiện đã công bố công trình của mình cho báo giới với hy vọng có được sự công nhận của các đối tác phương Tây.
Bơ lạc và bánh sandwich sứa
“Nếu không thể chống lại sứa thì chúng ta sẽ ăn sứa” – Đó là tuyên bố trong báo cáo năm 2013 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Trong nghiên cứu, có tựa đề “Quan sát về sự phát triển mạnh của sứa ở Địa Trung Hải và biển Đen”, FAO ghi nhận tình trạng quần thể cá đang giảm dần trong khi số lượng sứa ở các đại dương ngày một tăng mạnh và họ đề nghị nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề.
Ngoài việc đề nghị các tác nhân kiểm soát sinh học, FAO còn đưa ra giải pháp dùng sứa làm thực phẩm và sản phẩm y khoa.
Báo cáo cho biết có một số loài sứa từ lâu đã hiện diện trong thực đơn của người Trung Quốc, và khuyến khích nghiên cứu về các tính năng y học của sứa được tin là có tiềm năng sinh học và thương mại khổng lồ.
Chất dẻo và giấy gói có thể ăn được
Năm 2012, nhà hàng Bob’s ở Brazil gây chú ý cho mọi người khi giới thiệu bánh hamburger được gói trong tờ giấy có thể ăn được! Có nghĩa là thực khách không cần phải mở lớp giấy gói bánh mà… ăn luôn!
Gần đây, Giáo sư David Edwards đã đưa ra phát minh mới của ông gọi là “Wikicells” với công chúng Mỹ. Edwards nảy sinh ý tưởng từ cách mà tế bào tích trữ nước để tạo ra giấy gói thực phẩm “ăn được”.
Loại giấy gói đặc biệt này được làm từ chất liệu tự nhiên và thiết kế để không hòa tan, ngăn ngừa được vi khuẩn và các hạt phân tử khác thâm nhập. Giấy này có thể dùng để gói thực phẩm, thức uống các loại. Điểm đặc biệt là giấy có thể được ăn cùng với thực phẩm bên trong.
Giáo sư Edwards hy vọng sáng chế của ông giúp giải quyết vấn nạn rác thải chất dẻo gây ô nhiễm môi trường.
Mọi người đều có thể ăn côn trùng
Báo cáo tháng 5/2013 của Liên Hiệp Quốc tuyên bố ăn côn trùng là cách tốt nhất để giải quyết nạn đói trên hành tinh trong tương lai. Theo đó, ít nhất 2 tỉ người ở châu Á và châu Phi thường xuyên ăn 1.900 loại côn trùng khác nhau. Hàng đầu trên thực đơn là bọ cánh cứng, kế đó là đến sâu bướm, ong và các loại ấu trùng khác.
Thách thức hiện nay là làm thế nào để thay đổi cách nhìn của người phương Tây đối với các loại côn trùng trông ghê sợ. Bởi việc ăn côn trùng có nhiều cái lợi to lớn: giàu chất đạm và chất khoáng, chúng sinh sản nhanh và không gây hại môi trường như thú nuôi truyền thống.
Ngoài ra, nuôi côn trùng làm thực phẩm cũng là ngành kinh doanh hái ra tiền, nhất là tại các nước nghèo.
Thực phẩm lai tảo – người
Tảo cũng có thể được sử dụng để giải quyết nạn đói trên hành tinh. Nhà sinh học Chuck Fisher có ý tưởng tích hợp tảo trên da người. Cũng giống như một cái cây thực sự, tảo lai người này sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể qua lớp da. Fisher nảy sinh ý tưởng khi quan sát mối quan hệ cộng sinh giữa san hô (động vật) và tảo rong tự nhiên.
Ông thừa nhận ý tưởng thật khó tin, nhưng ông hy vọng đề xuất giải pháp chống đói bằng hiện tượng quang hợp chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực
Theo ANTG