Không cần phân loại rác từ nguồn, công nghệ xử lý rác bằng thủy lực và khí động vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, kỹ sư Trần Hùng Dũng, bộ môn máy và thiết bị hóa, Khoa Kỹ thuật hóa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM, đã cho ra đời công nghệ xử lý và tái chế rác bằng thủy lực và khí động với ưu điểm là “trị” được rác mà không cần phân loại từ đầu nguồn – một việc rất lạ lẫm đối với người dân Việt Nam.
Kỹ sư Trần Hùng Dũng chuẩn bị việc triển khai công nghệ xử lý rác khí động và thủy lực tại Tây Ninh. Ảnh: H.D |
Công nghệ khép kín
Nhược điểm của việc xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp là chiếm quỹ đất lớn, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường và không tận dụng được các nguồn lợi kinh tế to lớn từ việc tái chế rác.
Kỹ sư Trần Hùng Dũng cho biết với công nghệ phân loại rác bằng thủy lực và khí động, rác sẽ được phân loại thành rác hữu cơ (rau, thức ăn thừa…) và rác vô cơ (xà bần, kim loại…) để tiến hành tái chế. Theo giải thích của kỹ sư Dũng, ban đầu từng bịch rác sẽ được đưa vào băng chuyền cho đi qua bể thủy lực.
Rác hữu cơ sẽ nổi hoặc lơ lửng, còn rác vô cơ sẽ chìm xuống băng tải đi ra ngoài. Sau đó, rác vô cơ được phân loại từ tính để loại bỏ sắt, riêng thủy tinh phải thu dọn bằng tay, xà bần được tận dụng làm gạch blốc. Đối với rác hữu cơ, phần rau củ quả đem làm phân vi sinh, ni-lông và cao su tái chế thành dầu FO, còn vải vụn sẽ đem đốt chung với rác độc hại.
Phần nước thải, nước rửa rác được đưa về xử lý tập trung bằng công nghệ vi sinh, hóa lý và đưa vào nhà máy để sử dụng lại. Theo kỹ sư Dũng, ưu điểm của công nghệ này là hệ thống hoạt động liên tục và khí được tuần hoàn khép kín trong hệ thống, năng suất cao, ít ô nhiễm môi trường.
Nói thì đơn giản nhưng khi tiến hành thì cực kỳ phức tạp. Kỹ sư Dũng bộc bạch: “Tôi phải mất 3 tháng để tìm ra cách xé bịch rác mà không phải xé bằng tay và định lượng cho rác vào băng tải đều, chưa kể đến những khó khăn trong việc tính toán phương án chính xác nhằm phân ra từng loại rác riêng để tái chế”.
An toàn với môi trường
Kỹ sư Dũng cho biết công nghệ xử lý rác bằng thủy lực và khí động của ông đã được Công ty TNHH Minh Minh Phát (quận Gò Vấp – TPHCM) ứng dụng để tái chế rác. Để “chắc ăn” không sử dụng nhầm công nghệ dỏm, công ty này cũng đã mời Trung tâm Công nghệ môi trường – Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) giám sát đo đạc hiện trạng môi trường tại nhà máy vào tháng 5-2009. Kết quả cho thấy hầu hết các chỉ tiêu về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ theo TCVN 5939-2005 đều đạt tiêu chuẩn quy định.
Ngoài ưu điểm không gây ô nhiễm môi trường, việc ứng dụng công nghệ của kỹ sư Dũng còn đem lại lợi ích về kinh tế rất cao. Theo tính toán, chỉ cần đầu tư 2 tỉ đồng cho nhà máy xử lý rác có công suất 30 tấn rác/ngày, ba tháng sau, nhà đầu tư đã có thể hoàn vốn.
Với 30 tấn rác/ngày sẽ cho ra 10 tấn dầu FO, chỉ cần bán 9.000 đồng/lít dầu đốt thì mỗi ngày đã thu về 90 triệu đồng. Chi phí về điện sử dụng cho nhà máy cũng không cao, chỉ mất 187 đồng và tiêu hao 3 kg nhiên liệu cho 1 kg thành phẩm.
Kỹ sư Dũng hồ hởi khoe sắp tới sẽ có 5 đơn vị đầu tư dây chuyền công nghệ mới của ông, trong đó có khu xử lý tái chế rác Đà Nẵng (công suất 650 tấn rác/ngày), Công ty Cao su Kymdan xử lý nệm phế phẩm, Công ty Môi trường Việt Xanh xử lý cao su phế thải… Đặc biệt, công nghệ xử lý rác này sẽ mang lại siêu lợi nhuận khi tiến hành xử lý cao su, vỏ ruột xe, đế giày… vì tất cả sản phẩm này đều ra dầu FO.
Theo NLĐ