Chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo. Mỗi người sống cũng không hoàn hảo mà chỉ giỏi một vài thứ, giỏi hơn người khác một chút, và kém ở những kỹ năng quan trọng. Nếu bạn là một doanh nhân, ý thức rằng mình phải “toàn tài” thì mới có thể thành công trong kinh doanh, có thể đi tắt đón đầu mọi thứ khiến bạn thường xuyên gặp stress. Tuy nhiên, doanh nhân cũng chỉ là những người bình thường với bộ óc nhanh nhạy hơn một chút. Vì thế đừng quá “ảo tưởng sức mạnh”, thay vào đó hãy tìm cách để mình trở nên giỏi toàn diện bằng cách biến những nhược điểm của bạn thành lợi thế.
1. Xác định và chấp nhận điểm yếu của mình
Bạn không thể chuyển điểm yếu thành điểm mạnh nếu bản thân bạn không ý thức được chúng. Vậy bước đầu tiên là chấp nhận và xác định rõ ràng những điểm yếu đó là gì. Khi đã xác định rõ thế mạnh và điểm yếu của mình, bắt đầu tiến hành kế hoạch bổ túc cho bản thân. Đừng che giấu chúng, hãy thẳng thắn đối mặt và sửa đổi từ từ.
2. Tìm sự giúp đỡ từ người mà bạn tin tưởng
Đôi khi những điểm yếu đó “ẩn” mình quá kĩ khiến bản thân bạn khó lòng nhận ra. Thế nhưng nó lại rất rõ ràng trong mắt những bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn. Hãy biết lắng nghe và chia sẻ với những người xung quanh bạn. Nghiêm túc nghe “phê bình” từ họ để từ đó rút ra những bài học cho bản thân.
3. Luôn chuẩn bị chu đáo
Đôi khi cách tốt nhất để đẩy lùi điểm yếu của mình là chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Ví dụ, tôi có khả năng định hướng rất kém và thường bị lạc, kể cả khi việc tìm đường rất đơn giản với những người khác. Thật là kém may mắn cho người thích đi du lịch như tôi. Để tự giúp mình tôi phải sử dụng công nghệ, với GPS cài đặt trong xe, trong điện thoại và cả máy tính bảng, tôi tải về cả bản đồ để sử dụng khi không có kết nối. Ở một vài nơi tôi còn mang theo bản đồ.
Những kỹ năng tương tự cũng có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khác. Bạn sắp đàm phán hợp đồng với những điều khoản không quen thuộc? Hãy đọc trước về chúng. Bạn chuẩn bị gặp gỡ một khách hàng hay nhà đầu tư lần đầu? hay tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể tìm hiểu về họ và tập giới thiệu vài lần với đồng nghiệp và bạn. Tương tự như vậy, khi bạn chuẩn bị đi phỏng vấn vào một vị trí trong một công ty nào đó, trước tiên hãy chuẩn bị những kiến thức về vị trí, yêu cầu công việc, thông tin về công ty và chuẩn bị trước những câu hỏi thường gặp. Bạn biết đấy, thành công luôn đến với những người có sự chuẩn bị.
4. Thuê người có những kỹ năng mà bạn thiếu
Thay vì cố gắng làm việc mà bạn không giỏi, bạn nên thuê ai đó có thể khỏa lấp những kỹ năng mà bạn thiếu. Bên cạnh việc khắc phục được điểm yếu của mình, bạn còn có thời gian cải thiện những kỹ năng mà bạn cần. Hãy tìm những nhân viên bạn có thể tin tưởng và thật sự tin tưởng vào họ.
Không có bài kiểm tra lòng tin nào lớn hơn việc giao cho nhân viên một nhiệm vụ bạn không thực sự nắm chắc và để họ tự xoay xở. Cũng không có cách nào tốt hơn thế để truyền động lực cho những nhân viên của bạn.. Một vị tướng tài thao lược cầm quân là họ biết dùng đúng người, đúng việc. Quản lý giỏi cũng vậy, quan trọng ở chỗ biết dùng người.
5. Biết vừa đủ
Lãnh đạo một nhóm nhân viên tinh anh, làm thế nào để họ nể phục bạn? Hãy biết “đủ.” Cho dù bạn không thể giỏi mọi việc, có những việc đủ quan trọng để bạn dành ra nhiều thời gian và nỗ lực hơn để học hỏi, luyện tập và thành thạo. Tôi biết một doanh nhân vô cùng thông minh mở một công ty internet mặc dù ông ấy không có kỹ năng vi tính nào.
Tuy ông ấy tin tưởng nhân viên của mình, ông ấy vẫn học hỏi về tin học đủ để hiểu và nói với nhân viên khi nào họ có thể hoàn thành công việc đúng hạn và khi nào không, việc gì là có thể và việc gì không thể. Như ông ấy nói, ông ấy học “vừa đủ để trở nên đáng sợ”.
Đó là một cách tiếp cận thông minh. Có rất nhiều kỹ năng chúng ta nên tự trang bị, ít nhất đến một mức độ nào đó. Điều này càng đúng khi bạn sẽ phải thuê và quản lý những công việc như vậy.
6. Tìm cách giúp người khác với những vấn đề tương tự
Nếu việc thiếu sót một kỹ năng là vấn đề lớn với bạn, bạn có thể chắc chắn nó cũng là vấn đề lớn với người khác. Hãy nghĩ về cách bạn có thể giúp chính mình và người khác khỏa lấp những kỹ năng bị thiếu hụt, nhược điểm của bạn có thể dẫn bạn đến những sáng tạo mới. Chúc bạn thành công.
Thụy Dương (Tổng hợp)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.