Các nhà nghiên cứu đã tìm ra công thức sơ khai có thể tạo nên những tên sát nhân hàng loạt, bao gồm bị lạm dụng thời thơ ấu, tự kỷ và chấn thương đầu.
Những kẻ giết người hàng loạt thường được mô tả có tính cách lạnh lùng, giỏi tính toán và thường xuyên bị ám ảnh, nhưng đến nay vẫn chưa rõ điều gì thúc đẩy những người này phạm các tội ác tày trời như vậy. Giờ đây, nghiên cứu mới của các chuyên gia Glasgow (Scotland) đã phát hiện những điểm tương đồng giữa nhiều tội phạm, trong đó hành vi điên cuồng có thể liên quan đến những rối loạn tâm lý cụ thể và chấn thương thời thơ ấu.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành cuộc phân tích đầu tiên với các báo cáo đăng trên các chuyên san, tin tức báo chí về các vụ giết người hàng loạt, bao gồm Anders Breivik (Na Uy) và bác sĩ “tử thần” người Anh Harold Shipman (1946 – 2004). Từ đó, họ thiết lập được mối liên hệ giữa những kẻ sát nhân hàng loạt với tình trạng gọi là “rối loạn tự kỷ biên độ rộng”(ASD), tức rối loạn tâm lý và chấn thương đầu, chẳng hạn như các trường hợp bị lạm dụng khi còn bé hoặc do cha mẹ ly hôn.
Breivik trong vụ thảm sát Oslo vào năm 2011 – (Ảnh: dailytelegraph.com.au)
Vào năm 2012, Breivik chính thức bị kết tội thảm sát trong vụ tấn công bằng bom khiến 8 người thiệt mạng và 69 người chết trong vụ xả súng sau đó. Trong một vụ khác, vào tháng 1/2000, một bồi thẩm đoàn ở Anh kết luận bác sĩ Harold Shipman đã phạm tội giết chết 15 bệnh nhân, trong khi chính ông này thú nhận mình giết đến 250 người. Những sát thủ khác được nghiên cứu bao gồm sát nhân hàng loạt người Úc Martin Bryant vào năm 1996 và kẻ đánh bom ở Exeter (Anh) năm 2008 Nick Reilly.
Theo kết quả phân tích, 28% số trường hợp kẻ sát nhân bị mắc chứng ASD. Ngược lại, chỉ có 1/100 người bình thường bị tình trạng này. Bên cạnh đó, một số báo cáo khác cho thấy đến 25% số hung thủ có thể hoặc chắc chắn bị chấn thương đầu trong quá khứ. Trong số những sát thủ mắc chứng ASD (hoặc thêm chấn thương đầu), hơn phân nửa đã trải qua tình trạng bị áp lực tâm lý, chẳng hạn như bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành hoặc phải chứng kiến cảnh cha mẹ ly dị.
Dựa trên các dữ liệu phân tích, cuộc nghiên cứu tại Glasgow rút ra kết luận rằng về mặt tổng quát, phải có hơn 10% số trường hợp sát nhân hàng loạt trên toàn thế giới có dấu hiệu bị ASD và cũng chừng đó trường hợp bị chấn thương đầu. Sự kết hợp này nhiều khả năng cho ra lò những cá nhân sẵn sàng phạm tội ác tày trời.
Tiến sĩ Allely của Đại học Glasgow lưu ý, nhóm của ông không cố ý nói rằng bất kỳ người nào bị ASD hoặc chấn thương đầu đều biến thành sát nhân hàng loạt, mà xoáy vào một nhóm nhỏ trong số này nhiều khả năng phạm tội khi đối mặt với áp lực tâm lý.
Trên thực tế, bất chấp nỗ lực lùng sục của nhóm chuyên gia, họ chỉ tìm được khoảng 400 kẻ sát nhân tính từ năm 1985 đến nay, cho thấy số lượng những kẻ máu lạnh dạng này thuộc loại hiếm, theo báo cáo đăng trên chuyên san Science Direct. Carol Povey, Giám đốc Tổ chức tự kỷ quốc gia đánh giá cao cuộc nghiên cứu trên, từ đó cho phép các chuyên gia có thể phát triển những chiến lược ngăn chặn sự ra đời của những kẻ sát nhân thế hệ mới.