Nếu mọi thứ suôn sẻ và diễn ra theo đúng lộ trình của Moon Express, công ty này sẽ bắt đầu khai thác Mặt Trăng từ năm 2020.
Cụ thể, công ty có trụ sở đặt tại Florida này sẽ thực hiện một cuộc thăm dò tổng thể trên bề mặt Mặt Trăng, một công việc từ trước đến nay chỉ có các cơ quan hàng không quốc gia thực hiện, chứ không phải một công ty tư nhân như Moon Express.
Nếu nỗ lực này là thành công, họ sẽ nhận được ngay 20 triệu USD giải thưởng từ Google. Ngoài ra, uy tín của công ty sẽ được tăng cao và họ sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư hơn nữa trong công việc khai thác Mặt Trăng của mình trong tương lai.
“Tôi thực sự hy vọng chúng tôi sẽ làm được điều này. Công ty sẽ nhanh chóng triển khai dự án càng sớm càng tốt, không phải vì món hời kinh doanh, mà vì chúng tôi ao ước được chinh phục nó”, Giám đốc điều hành Bob Richards của Moon Express cho biết.
Google Lunar XPrize là một cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích các doanh nhân và kỹ sư xác định mục tiêu là các công nghệ thăm dò Mặt Trăng và phát triển nó thật mạnh mẽ như là một ngành công nghiệp mới của tư nhân.
Mô phỏng tàu thăm dò của Moon Express đang lăn bánh trên bề mặt Mặt Trăng. (Ảnh: Moon Express).
Người chiến thắng cuộc thi sẽ giành được giải thưởng 20 triệu USD, với yêu cầu đưa một tàu thăm dò lên Mặt Trăng và con tàu này có thể đi được 500 mét cũng như chụp ảnh lại quang cảnh trên bề mặt vệ tinh này, hạn chót vào cuối năm nay.
Moon Express là một trong những công ty tham vọng chinh phục được điều này. Trong năm nay họ sẽ tiến hành thăm dò và chụp ảnh bề mặt Mặt Trăng để lấy được giải thưởng từ Google và xa hơn sẽ tiến hành khai thác các dịch vụ khác trên Mặt Trăng.
“Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm trong thời gian rất ngắn, và Rocket Lab cũng vậy”, Richards cho biết thêm và hàm ý chỉ đến một công ty Hoa Kỳ đặt trụ sở tại New Zealand cũng đang có kế hoạch đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng từ một thiết bị phóng hai tầng.
Ngoài ra, còn có 3 công ty khác đang tranh tài trực tiếp với nhau, gồm Synergy Moon, Team Indus và Hakuto. Trong đó nổi bật có Hakuto đến từ Nhật Bản, tuyên bố đầu tư 500.000 USD để phát triển máy bay có khả năng tự điều hướng khi bay trên Mặt Trăng.
Moon Express là một cái tên đầy hứa hẹn cho giải thưởng. Công ty này đã gây vốn từ các nhà đầu tư được 45 triệu USD, họ cũng sẽ áp dụng cách thức của SpaceX, tái sử dụng càng nhiều thứ càng tốt nhằm giảm thiểu tối đa chi phí.
Tàu đổ bộ Mặt Trăng của họ là MX-1E hiện đang trong quá trình phát triển, với động cơ đã được chế tạo và sẵn sàng đưa vào thử nghiệm. Tàu đổ bộ này dự kiến có khả năng mang chở hàng hóa có trọng tải 30 kilogram lên Mặt Trăng.
Bất kể Moon Express có kịp tiến độ trong cuộc thi XPrize hay không, thì tương lai xa hơn họ vẫn hướng đến cuộc thám hiểm Mặt Trăng thật sự. Họ sẽ thăm dò và thu thập đất đá Mặt Trăng rồi gửi về Trái Đất trong sứ mệnh đầu tiên của mình.
Moon Express là một trong những công ty tham vọng chinh phục Mặt trăng.
Hiện tại chưa có thỏa thuận nào được đặt ra về việc khai thác tài nguyên ngoài Trái Đất giữa các chính phủ với các công ty tư nhân. Nhưng đứng trước tình hình những cơ quan hàng không quốc gia ngày càng nhận được ít sự bảo trợ từ quốc hội, những công ty tư nhân sẽ lấp đầy khoảng trống đó trong lĩnh vực thám hiểm không gian.
Những mẫu vật đất đá Mặt Trăng được các phi hành gia sứ mệnh Apollo thu thập hiện được xem là báu vật quốc gia tại Hoa Kỳ, NASA sẽ không bao giờ bán chúng cho những nhà sưu tập tư nhân. Nhiều mẫu đá bị đánh cắp được thẩm định với mức giá 50.800 USD cho mỗi gram.
Chính vì giá trị quá cao của những mẫu vật thu thập từ không gian, nên việc một tổ chức tư nhân nào đó có thể khai thác vật chất từ Mặt Trăng, sẽ dấy lên những cuộc tranh cãi và hàng loạt đơn yêu cầu quyền được khai thác từ vô số những công ty có tiềm lực kinh tế khác.
Dù sao thì hãy cùng chờ đợi đến năm 2020 để xem Moon Express và các công ty tư nhân, các tổ chức chính phủ sẽ hành động như thế nào trước xu hướng mới của thời đại này.
Theo khampha