Trong cái nóng của sa mạc Scottsdale ở bang Arizona (miền Tây nước Mỹ), 147 bộ não và cơ thể người đang “nghỉ ngơi”. Họ được đông lạnh trong nitơ lỏng, với hy vọng được tái sinh vào một ngày nào đó. Đó không phải là khoa học viễn tưởng, và dưới một góc độ nào đó, nó thậm chí không được xem là khoa học. Thế nhưng, hàng ngàn người trên thế giới đã đặt niềm tin vào kỹ thuật này, với cả tính mạng và tài sản của họ vào lời hứa của Cryonics – công nghệ bảo quản cơ thể sau khi chết ở nhiệt độ thấp (thường là -196°C), với mong muốn hồi sinh.
“Bạn hãy thử nghĩ về nửa thế kỷ trước hoặc lâu hơn, nếu ai đó ngừng thở và tim cũng ngừng đập, chúng ta sẽ bắt đầu kiểm tra và nói rằng họ đã chết chết”, Max More – Giám đốc điều hành công ty Alcor, cho biết. “Quan điểm của chúng tôi là khi nói ai đó chết, chúng ta có lẽ chỉ đưa ra giả định của mình. Trên thực tế, họ đang cần sự giải cứu”. “Giải cứu” ngay thời điểm bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã qua đời. Lúc bấy giờ, một nhóm của hãng Alcor đã chuẩn bị sẵn sàng một bồn tắm đầy nước đá, cho vào đó 16 loại thuốc và các hóa chất khác nhau, cho đến khi nhiệt độ bệnh nhân giảm xuống đến mức gần như đóng băng.
“Điều quan trọng là làm sao để quá trình đó diễn ra một cách nhanh chóng”, ông More nhấn mạnh. Để giải quyết vấn đề này, Alcor thành lập các nhóm tình nguyện viên khác nhau ở Anh, Canada, Đức và khuyến khích cho họ 10.000 USD. Mất 35 phút cho giai đoạn phẫu thuật và mọi thứ sẽ được thực hiện ở Scottsdale. Tiếp theo, một bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ đầu của bệnh nhân ra, trong trường hợp họ tùy chọn gói “Neuro”. Nói nôm na, những người này hy vọng rằng họ sẽ được hồi sinh với phần cơ thể mới nhưng lại có ADN giống mình. Giá cả cho tùy chọn này cũng rẻ hơn. Cụ thể, chỉ tốn 80.000 đô la Mỹ để các nhà khoa học bảo quản đầu bạn, trong khi đó, số tiền phải chi để bảo quản toàn bộ cơ thể là 200.000 USD.
Max More đứng trước các bồn bảo quản 147 thi thể.
So sánh một chút với Viện Cryonics (Michigan, Mỹ). Tổ chức phi lợi nhuận này cũng đang cung cấp loại hình dịch vụ tương tự, nhưng chi phí có lẽ phải chăng hơn, chỉ $28.000 cho việc bảo quản toàn bộ cơ thể. Điều đó đặt ra 1 câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt này? “Chúng tôi rất thận trọng trong cách lập kế hoạch tài chính”, More chia sẻ. “Trong số $200.000, có khoảng $115.000 được chuyển vào quỹ đầu tư chăm sóc bệnh nhân”, nghĩa là chi phí chăm sóc cho khách hàng sau khi họ hồi tỉnh. Nguồn ngân sách này hiện đã có đến hơn 10 triệu USD.
Khi được gửi đến Hoa Kỳ từ Anh vào năm 1986 để đào tạo tại Alcor, lúc này đang được điều hành bởi các tình nguyện viên, Max More đăng ký trở thành thành viên thứ 67 của công ty. Từ đó đến nay, họ đã có hơn 1.000 nhân viên cũng như cộng tác viên. Trong số các thành viên có cả tỷ phú Peter Thiel và kỹ sư trưởng Ray Kurzweil của Google.
Elaine Walker, 47 tuổi, đang tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng cộng đồng Scottsdale (Hoa Kỳ), đã đăng ký để đội ngũ của Alcor đóng băng đầu cô từ 9 năm trước, sau khi tìm thấy kỹ thuật ”cryonis” trong một bài báo. “Không phải tôi muốn được sống một lần nữa để có thể sống một cuộc đời khác, hay làm thứ gì đó tôi mà tôi chưa có cơ hội thực hiện. Thực sự tôi chỉ muốn xem những gì sẽ xảy ra lúc đó”. Khi được hỏi, cô cho biết thậm chí còn muốn trở lại như một cyborg (nửa người nửa máy) trên một hành tinh xa xôi nào đó, sao Hỏa chẳng hạn.
“Tấm vé cho một hành trình không thể thực hiện”
Giáo sư Michio Kaku cho rằng cryonics không khả thi về mặt khoa học. (Ảnh: Consciouslifenews).
Về mặt luật pháp, Alcor sẽ không phải chịu trách nhiệm cho việc có cung cấp cuộc sống sau khi chết hay không. Thực ra, sau khi cái chết hợp pháp đã được xác nhận bởi chính phủ, 147 “bệnh nhân” của Alcor sẽ được xem như việc hiến xác cho nghiên cứu khoa học. Ngoài những rào cản pháp lý nhất định, các nhà khoa học được cho là sẽ gặp khó khăn với “cryonics”.
Michio Kaku, nhà tương lai học và là giáo sư vật lý lý thuyết tại Đại học thành phố New York cho biết: “Khi mọi người hỏi tôi một câu hỏi khoa học, tôi phải cung cấp cho họ một kết quả có thể kiểm chứng. Thật không may là cryonics không thuộc các kết quả đó”. Trong khi những người ủng hộ cryonics liên tưởng đến thành công của thụ tinh trong ống nghiệm hay các thí nghiệm đơn giản dựa trên động vật, Kaku chỉ vào các bằng chứng còn thiếu về con người. Khoa học ngày nay vẫn chưa thể hiểu hết về bộ não của con người. Với hơn 100 tỷ tế bào thần kinh và cấu trúc phúc tạp, nhà thần kinh học Columbia – Tiến sĩ Ken Miller ví cryonics như một “tấm vé cho cuộc hành trình mà bạn không thể đi được”.
Nhưng theo quan điểm của More, Alcor không bán cho khách hàng “sự hy vọng”. Đó là một cơ hội. Công bằng mà nói, trước khi đặt ra những câu hỏi khó trả lời về cryonics, khoa học vẫn thiếu các bằng chứng chặt chẽ để người ta không khỏi đặt niềm tin vào một thế giới bên kia. Và đối với những người như Walker, bấy nhiêu đã đủ để họ chi tiền. “Tôi muốn nhìn thấy tương lai, và đó là những gì tôi thích thú. Chi phí là quá nhỏ so với những gì tôi hy vọng”, Walker chia sẻ.