Con chim điên không thể thoát khỏi số phận bi thảm sau khi rơi vào cặp càng cứng như gọng kìm của cua dừa.
Mark Laidre, giáo sư ở Đại học Dartmouth, Mỹ, đồng thời là nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia, trong nghiên cứu công bố hôm nay trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment khẳng định cua dừa là kẻ thù “không đội trời chung” với các loài chim làm tổ trên mặt đất, theo National Geographic.
Laidre dành hai tháng đi tới quần đảo Chagos xa xôi để nghiên cứu loài cua dừa bí ẩn. Trong hành trình này, Laidre có cơ hội chứng kiến chiến thuật săn chim của loài cua khổng lồ này.
Cua dừa tấn công, giết chết chim điên để ăn thịt. (Video: National Geographic).
Vào đầu tháng 3/2016, Laidre phát hiện một con cua dừa quắp một con chim điên chân đỏ (tên khoa học Sula Sula) đang ngủ trên cành cây thấp. Bị càng cua kẹp cứng đôi cánh, con chim điên yếu ớt chống trả trong tuyệt vọng.
Trong vòng 20 phút, 5 con cua dừa khác kéo tới nơi. Khứu giác nhạy bén thôi thúc chúng tới nơi có mùi máu. Kẻ tấn công đầu tiên kéo lê con chim điên vẫn còn thoi thóp đi xa và những con cua đánh nhau để tranh mồi. Sau vài giờ, bầy cua đã xé con chim thành nhiều mảnh vụn và ăn thịt. Laidre cho biết cảnh tượng săn mồi khá đáng sợ.
Theo Laidre, những con chim có thể bay từ hòn đảo này tới hòn đảo khác, nhưng cua dừa mắc kẹt trên hòn đảo chúng sinh ra. Chúng không thể thở dưới nước nên không có khả năng bơi tới hòn đảo khác.
Laidre quan sát thấy trên những hòn đảo nơi cua dừa sinh sống không có bóng chim làm tổ dưới đất. Ở các hòn đảo chim làm tổ dưới đất sinh sống, Laidre không thấy sự hiện diện của cua dừa. Dường như loài chim nhỏ với những quả trứng dễ vỡ chọn làm tổ ở nơi cua dừa không thể gây nguy hiểm cho chúng.
Cua dừa là một loài khác thường so với các loài giáp xác khác. Chúng có thể nặng tới 4kg, bề ngang dài một mét, chuyên trèo cây hái dừa để bóc vỏ ăn cùi. Loài cua sáng màu sống đơn độc này trông giống như sinh vật ngoài hành tinh, nhưng trên thực tế, chúng sống trong hang động dưới lòng đất ở một số hòn đảo tại Ấn Độ Dương.
Con cua dừa quắp một con chim điên chân đỏ.
Tình trạng của quần thể cua dừa chưa được xác định rõ. Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp loài cua trong nhóm “chưa có dữ liệu đầy đủ”. Nhưng các nhà khoa học cho rằng sự săn lùng của con người và môi trường sống bị phá hủy đang khiến số lượng cua dừa sụt giảm.
Theo Laidre, cua dừa có thể đáng sợ đối với những loài động vật khác, nhưng chúng lại sợ người. “Chúng không hiếu chiến. Chúng chỉ tò mò. Chúng sẽ không xuất hiện và nhảy tới tấn công bạn. Cua dừa sợ người hơn”, Laidre nói.
Bước tiếp theo trong công tác nghiên cứu cua dừa là lắp camera gần môi trường sống của chúng để các nhà khoa học có thể quan sát. Chưa nhà khoa học nào chính thức nghiên cứu hang cua dừa, nơi chúng ghép đôi hoặc xem xét cách chúng giao tiếp. “Chúng tôi sẽ cần thu thập rất nhiều thông tin nhưng cua dừa rất thú vị”, Laidre chia sẻ.
Quái vật cua khổng lồ, leo trèo, cướp giật nhanh như chớpLoài cua khổng lồ nặng tới 4kg
Theo VnExpress