Khi cúng ông Táo, nếu gia đình không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp.
Không nên cúng ở trong bếp.
Hiện nay, phong tục thờ ông Táo vẫn còn tồn tại ở nhiều gia đình Việt, nhất là vùng nông thôn. Một số gia đình có người lớn tuổi ở thành thị cũng còn thờ Táo quân trong nhà bếp. Mặc dù không còn nấu ăn bằng bếp đất sét “ba đầu rau” mà thay bằng bếp than, dầu, gas… nhưng họ vẫn còn bàn thờ ông Táo như ông Thần coi sóc việc nhà, giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu nhà bạn có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.