Hôm qua còn là món đồ chơi mới lạ, hôm nay chúng đã xâm nhập cuộc sống đời thường của chúng ta. Nàng không chỉ đẹp mà còn giao tiếp giỏi, hiểu hàng chục nghìn câu nói và đối đáp khá trôi chảy. Các doanh nghiệp lớn ở Nhật chen lấn để mướn nàng về làm nhân viên đón – tiễn khách. Nhưng Actroid không phải người thật.
Tổng thống Mỹ Bush từng bắt tay rôbôt Einstein |
Nàng là rôbôt có khuôn mặt và hình dáng một thiếu nữ do Đại học Osaka phát triển từ năm 2006, nay được Hãng Kokoro đưa vào sản xuất. Giá thuê Actroid năm ngày là 400.000 yen (khoảng 3.500 euro).
Nếu không đủ tiền mướn rôbôt lễ tân của Nhật, vẫn còn một người máy khác: rôbôt Einstein do Hàn Quốc phát triển. Cao 1,37m, nặng 57kg, rôbôt có khuôn mặt Einstein được gắn 36 động cơ bên trong, có thể nhăn nhó như nhà bác học Đức khi bị phật lòng.
Các sinh viên ở Seoul rất thích rôbôt này. Chỉ có một vấn đề: Eisntein thời nay – thân là sắt thép – chỉ giỏi đánh háng theo vũ điệu hansam (một điệu múa dân tộc Hàn Quốc) chứ không biết giải thích thuyết tương đối! Nay đã có phiên bản rôbôt Einstein nhỏ, giá 300 USD (loại lớn giá 75.000 USD).
Rôbôt xuất xứ từ tiếng Tiệp “robota” có nghĩa “làm việc khổ sai”. Năm 1920, nhà văn Tiệp Khắc Karel Capek sử dụng từ này lần đầu tiên (ông cũng lấy “robota” trong phương ngữ Serb ra), nhưng đến những năm 1960, nó mới trở nên phổ biến, đặc biệt trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Trong thời gian dài, rôbôt chỉ được làm những công việc của người thừa hành như trong một dây chuyền lắp ráp tự động, lặp đi lặp lại không mỏi mệt các động tác cực kỳ chính xác. Một loại công nhân gương mẫu. Trong tương lai không xa, rôbôt sẽ trở thành hàng hóa tiêu dùng thông thường? Hẳn là vậy.
Có lẽ chưa hề có một sản phẩm nào lại nuôi dưỡng trí tưởng tượng của chúng ta nhiều đến vậy và gợi hứng cho các nghệ sĩ nhiều đến thế.
Người máy ngày nay còn có trí tưởng tượng và cả xúc cảm nữa. Chúng trở thành người bạn mới và tốt nhất của nhiều người. Tại Nhật, thị trường rôbôt đã vượt doanh số 500 tỉ yen (hơn 4 tỉ euro). Các đại công ty như Honda (với người máy Asimo từng đến Việt Nam), Sony (Qrio) hoặc Toyota – với rôbôt biết thổi kèm trumpet – cũng đã hoàn thiện thêm được những người máy khá lém lỉnh.
Xu hướng “bình dân hóa” rôbôt đang lan ra nhiều nơi trên thế giới. Tại Pháp, Hãng Aldebaran Robotics hứa biến rôbôt thành một sản phẩm thông dụng như chiếc tivi. Theo các nghiên cứu tiếp thị, các gia đình Pháp sẵn sàng chi 200 euro mỗi năm để mua một người máy.
Bill Gates, người sáng lập Hãng phần mềm nổi tiếng Microsoft, nói: “Tôi cho rằng trong tương lai, các rôbôt sẽ là một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta”.
HRP2 giúp các bà nội trợ khỏi phải rửa chén bát, thậm chí còn mở tủ, lấy nước cho họ uống nữa |
Các nhà buôn đang biến giấc mơ thành hiện thực. Một số rôbôt đã thâm nhập không gian quen thuộc của chúng ta. “Cho bia uống đi chứ!”. Bạn vừa ngồi xuống ghế bành thì Asahi, cao 1m, đã tiến lại, nhanh nhẹn như một tiếp viên nhà hàng chuyên nghiệp. Bao tử của nó chứa sáu thùng bia nhỏ ướp lạnh. Khi bạn bấm vào một cái nút trên bụng Asahi, kê ly sát vào, nó sẽ rót đầy ly một cách điệu nghệ: có cả bọt nổi lên trên vành ly!
Trong khi nhấm nháp bia, bạn có thể nhờ một rôbôt khác đọc thư điện tử, viết thư trả lời mà không cần dùng đến bàn phím máy tính. Rôbôt này có hình dáng con thỏ, tên là Nabaztag, do một hãng Pháp sản xuất, giá chỉ 135 euro.
Nao, một rôbôt khác của Pháp, trông giống như một em bé, có thể trông chừng nhà riêng của bạn. Khi bạn không ở nhà, nó sẽ gửi vào điện thoại di động của bạn hình chụp trong nhà.
Một nhân viên giúp việc gia đình nữa là iRobo Roomba, giá 275 euro, có thể lau chùi phòng ăn sạch bóng, di chuyển với một rôbôt “xe jeep” nhỏ gắn máy quay phim. “Xe jeep” báo cho Roomba biết các chướng ngại để tránh.
Một số người đã bày tỏ sự lo ngại trước những bước tiến mới trong ngành rôbôt. Liệu ngày nào đó phát triển lên trình độ cao và đông thêm lên, chúng có quay lại chống con người? Khi nào chúng sẽ biểu tình? Một thí nghiệm của Đại học Mỹ Cornell cho thấy bằng cách sử dụng các xung lực điện, một vật dụng điện tử, chứa đầy nam châm, có thể sản sinh ra hằng hà sa số các vật dụng giống y như nó. Institute of Applied Autonomy, một trung tâm nghiên cứu ở California, cũng từng phát triển một chiếc máy rẻ tiền đặt ở góc phố. Khi bắt tín hiệu cho thấy có chuyển động ở phía trước, rôbôt này sẽ “giơ tay”… phát truyền đơn và hô… khẩu hiệu.
Nài lạc đà rôbôt tại vùng Vịnh
Người Hàn Quốc đã quan tâm đến vấn đề này. Hồi tháng ba năm nay, một nhóm gồm 12 nhà khoa học, luật gia và bác sĩ nổi tiếng nhất đất nước sâm Cao Ly đã công bố một bản qui tắc về cách hành xử dành cho… rôbôt. Lãnh đạo Hàn Quốc lo rằng đến lúc nào đó, các rôbôt – ngày càng thông minh hơn – có thể sẽ “lạm dụng quyền lực”. Mỗi năm, chính phủ nước này chi ra không dưới 80 triệu USD để khuyến khích công nghiệp sản xuất người máy giúp việc nhà.
Cách đây 60 năm, nhà văn khoa học viễn tưởng Isaac Asimov cũng đã đưa ra nhiều qui tắc hạnh kiểm cho rôbôt, trong đó có một qui tắc nổi tiếng: “Một rôbôt không thể tấn công một con người”.
Từ ngày 1 đến 10-7-2007 sẽ diễn ra giải bóng đá thế giới dành cho người máy tại Atlanta, Mỹ
THỤY ANH
Theo L’Express, Tuổi trẻ