Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Brazil Ricardo Stuckert hé lộ phần nào cuộc sống “xa lánh văn minh” của một bộ lạc người da đỏ trong rừng nhiệt đới Amazon.
“Giữa thế kỷ 21 mà vẫn có những người không liên hệ gì với thế giới văn minh, giữ nguyên lối sống như tổ tiên của họ 20.000 năm trước. Điều đó thực sự mang lại cảm xúc rất mãnh liệt”, Ricardo Struckert diễn tả lại cảm giác khi vô tình bắt gặp bộ lạc thiểu số trong rừng nhiệt đới Amazon.
Struckert đến bang Acre (tây bắc Brazil) vào đầu tháng 12 để ghi lại hình ảnh các bộ lạc bản địa Brazil. Hôm 18/12, trực thăng của ông gặp bão gần biên giới Peru nên buộc phải bay vòng, vô tình giúp cả đoàn tìm thấy bộ lạc da đỏ vô danh trên. Họ có dân số khoảng 300 người, sống quanh vùng thượng nguồn 2 con sông Humaitá và Enriva (bang Acre, tây bắc Brazil) trong những túp lều lớn làm bằng rơm, rạ (gọi là maloca).
Sau khi phát hiện chiếc trực thăng, ban đầu, thành viên thuộc bộ lạc có vẻ hoảng hốt và bắn tên về phía máy bay, nhưng họ dần “tỏ ra tò mò nhiều hơn sợ sệt”.
Cũng có mặt trên chuyến bay cùng ông Struckert, ông José Carlos Meirelles, chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu Người da đỏ Brazil (FUNAI) khẳng định hành động bắn tên là “dấu hiệu kháng cự lành mạnh” với ý nghĩa: “Để chúng tôi yên. Đừng làm phiền”. Meirelles có thâm niên hơn 40 năm tìm hiểu về các bộ lạc bản địa.
Bộ lạc này sống du cư, sinh hoạt trong những túp lều lớn làm bằng rơm, rạ có thể chứa từ 80 – 100 người (gọi là maloca) và chuyển không gian sống theo chu kỳ khoảng 4 năm. Không những vậy, họ còn chế tác thép thành rìu, mã tấu… để khai hoang, canh tác nông nghiệp. Cuộc sống bộ lạc khá sung túc nhờ nguồn lương thực dồi dào.
Bang Acre có chính sách bảo vệ rừng và cư dân bản địa rất nghiêm ngặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ tộc thiểu số sinh sống. Tuy vậy, các nhóm khai thác gỗ, đào vàng, buôn lậu ma túy… hoạt động trái phép sát biên giới Peru vẫn đang đe dọa cuộc sống cộng đồng này.
“Khi không gian sống bị những người khai thác gỗ hoặc đào vàng lấn chiếm hết, số phận của bộ lạc sẽ kết thúc. Họ có thể biến mất hoàn toàn khỏi trái đất mà chúng ta chẳng hề hay biết gì”, ông Meirelles cảnh báo. Nhiều bộ lạc thiểu số tại rừng rậm nhiệt đới Amazon từng bị tuyệt diệt chính vì những lý do tương tự.
Ricardo hy vọng quyển sách ảnh Índios Brasileiros của mình sẽ được xuất bản để “đánh thức sự tò mò và các giá trị đạo đức cho thế hệ mai sau”. Trong ảnh là hình vẽ phức tạp, bí ẩn trên cơ thể một người trong bộ tộc.
Một ngôi nhà dài của cư dân bộ lạc, đây là thứ đã thu hút sự chú ý của Stuckert khi ông từ máy bay nhìn xuống.
“Trải nghiệm đó khiến tôi xúc động sâu sắc. Chúng ta sống trong thời đại mà con người đã bước đi trên mặt trăng, nhưng ở Brazil vẫn có những cư dân bản địa sống theo cái cách mà nhân loại đã xây dựng từ cách đây hàng chục nghìn năm”, nhiếp ảnh gia người Brazil nói về cuộc “gặp gỡ” bất ngờ với tộc người bí ẩn sống sâu trong rừng Amazon.