Cuộc sống ngột ngạt với 1001 nguyên tắc “giời ơi” của vợ

Cuộc sống ngột ngạt với 1001 nguyên tắc

Là trưởng phòng kỹ thuật của một công ty lớn, lại có vợ đẹp, hai con nếp tẻ đầy đủ, nên cuộc sống của gia đình tôi được rất nhiều bạn bè ghen tị, ngưỡng mộ. Xét về “bề nổi”, bản thân tôi cũng cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có, nhưng trong cuộc sống riêng có nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải rập khuôn theo những nguyên tắc của vợ, từ ăn mặc, đi đứng, nói năng, sinh hoạt. ..

Vợ tôi là mẫu phụ nữ năng động, thành đạt đồng thời là một người khá cẩn thận, tỉ mỉ và kĩ tính, nên dù làm bất cứ việc gì, cô ấy cũng có những quy tắc nhất định, và luôn luôn làm đúng, làm chuẩn theo những quy tắc mà mình đã đặt ra. Chẳng hạn như, buổi sáng dù đi làm hay ngày nghỉ cả nhà cũng phải thức dậy muộn nhất là 6h30; đi ngủ lúc 21 giờ; quần áo luôn phải chỉnh chu; đi làm không được đi giày thể thao; phải vệ sinh cá nhân, nhà cửa ít nhất 2 lần/ ngày (sáng-tối); bắt buộc phải ăn cơm tối ở nhà; ăn xong dù bất cứ lí do gì cũng không được để bát qua đêm; … và còn cả ngàn nguyên tắc nữa, mà tôi chẳng nhớ nổi.

Có lẽ, trong mắt cô ấy, một người đàn ông thành đạt là người chuẩn mực từ ăn mặc, giao tiếp đến thói quen sinh hoạt nên bất cứ khi nào có thể là cô ấy “gò” tôi theo khuôn mẫu đã định sẵn. Tôi vốn là dân kỹ thuật, suốt ngày chỉ quen mới máy móc, dầu nhớt, nhưng cô ấy luôn muốn tôi đi làm mặc vest; đi dày đen, đeo cà vạt. Chỉ vì chuyện ăn mặc mà rất nhiều lần vợ chồng tôi cự cãi, xích mích với nhau. Cô ấy luôn nói “dù gì giờ anh cũng là trưởng phòng rồi, ăn mặc cho ra dáng chứ”; “anh có nhìn thấy sếp của em không, anh ấy ăn mặc đĩnh đạc, làm sao”; “nhìn lại anh xem, trưởng phòng gì mà ăn mặc như thợ ấy”; “nhìn thấy anh ngoài đường làm vợ con xấu hổ”… Việc góp ý của cô ấy mục đích là khiến tôi tốt lên nhưng cô ấy phải biết đặc thù công việc của tôi, nếu tôi mặc quần tây, com- lê thì sửa máy móc làm sao nổi?! Có lần, cô ấy đi ăn cùng với bạn, tôi cũng tiếp khách ở nhà hàng đó, nhưng nhìn thấy tôi trong bộ dạng quần bò, giầy thể thao cô ấy đã quay mặt đi, vờ như không thấy, đến khi bạn vợ nói là “ông xã kìa” cô ấy mới quay lại cười với khách của tôi. Sau hôm đó, vợ tôi càng kịch liệt phản đối cách ăn mặc của tôi. Nói thật, nhiều hôm tôi phải mang 2 bộ quần áo đi làm, một bộ theo tiêu chuẩn của vợ và 1 bộ theo tiêu chí công việc của tôi. Mấy cậu nhân viên cùng phòng luôn trêu đùa tôi là “sếp thời trang” khiến tôi phát ngại. Nhưng tôi sợ những câu chì chiết của vợ nên đành phải làm vậy. Thấy tôi thay đổi, cô ấy khá hài lòng.

Cô ấy la lối, dựng tôi dậy, yêu cầu tắm gội, không thì ra ngủ ngoài sô- pha (ảnh minh họa)

Không những trong cách ăn mặc, mà trong cách đi đứng, nói năng tôi cũng phải thay đổi. Cô ấy nói ghét nhất tôi vì lúc nào cũng ‘bô bô” “toe toe” chưa thấy người đã thấy tiếng. Vợ tôi lúc nào có thể lại giảng cho tôi bài học “Là đàn ông phải đĩnh đạc, phải điềm tĩnh và trầm hơn, nghĩ nhiều hơn nói”. Tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện nhưng cô ấy muốn tôi phải “hành động” chứ không hứa suông. Có lần đang đi cùng vợ mua sắm, gặp một người bạn cùng học đại học, tôi ồ lên gọi với, rồi vồn vã chuyện trò, hai người chúng tôi tay bắt mặt mừng quay sang thấy vợ đang cau mày tỏ ý không vui. Sau lần đó, cô ấy càng ráo riết thuyết giáo cho tôi về phong thái của người đàn ông thành đạt, nào là “vui hay buồn cũng không được thể hiện ra mặt, không được để đối phương nhận thấy”; “phải bắt tay trước khi trò chuyện”… khiến tôi phát cáu “mặc kệ tôi, tính tôi nó thế” thì cô ấy quay ra giận giữ, không nói chuyện với tôi cả tuần trời. Không khí gia đình ngột ngạt khiến tôi phải xuống nước làm lành trước.

Nguyên tắc của vợ tôi là nhà cửa, quần áo luôn luôn sạch sẽ. Nếu tôi vô tình đi giày vào nhà, lập tức tôi phải lau ngay; quần áo phải bỏ đúng chỗ quy định. Nhiều hôm sửa chữa máy móc suốt ngày mệt nhoài về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ nhưng tôi phải thực hiện đúng các thủ tục: tắm, gội, ăn cơm rồi xem ti vi cùng gia đình khiến tôi càng mệt hơn. Có lần, về nhà tôi xin phép vợ đi nghỉ luôn vì quá mệt, cô ấy nhìn thấy tôi mệt thì đồng ý. Nhưng được khoảng nửa tiếng, lên phòng thấy tôi nguyên bộ quần áo, tất cũ thì cô ấy la lối, dựng tôi dậy, yêu cầu tắm gội. Khi tôi nói mệt chỉ muốn ngủ thì cô ấy la om sòm, yêu cầu nếu tôi không tắm, thì ra sô pha ngủ. Nhiều lúc, tôi nghĩ phải chăng vợ tôi coi tôi như một đứa trẻ hay sao, suốt ngày hỏi những câu lãng xẹt: anh tắm chưa; anh đánh răng chưa; anh đã nói gì khi gặp (ai đó)…

Tôi chưa bao giờ phủ nhận hay chê đức tính của vợ nhưng tôi chỉ sợ sự rập khuôn máy móc của cô ấy. Về khoản con người của công việc và người phụ nữ của gia đình thì không ai chê vợ tôi được lời nào. Ở công ty cô ấy là người giỏi nhất, về nhà cũng là vợ, là mẹ, là con dâu đảm đang. Thực lòng mà nói, có được kết quả công việc và gia đình yên ấm như hiện nay thì nguyên nhân lớn nhất chính là sự nguyên tắc trong sinh hoạt, làm việc của vợ. Nhưng giá như với tôi, cô ấy bớt nguyên tắc, bớt hà khắc đi thì cuộc sống của tôi sẽ đỡ ngột ngạt. Và tôi luôn ước rằng, mỗi nguyên tắc vợ đưa ra cho tôi đều có phương án dự phòng thì chắc hẳn tôi sẽ hoàn thành được hết. Tôi không phải loay hoay thực hiện, vợ tôi không phải giám sát theo dõi, cuộc sống của hai vợ chồng sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao. Nhưng đó chỉ là điều ước thôi khi tôi chẳng có cách nào để thay đổi thói quen, sự nguyên tắc của vợ. Tôi đang rất ngán ngẩm, mệt mỏi. Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên.

M.C

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.