Cười ra nước mắt với chồng công tử chăm vợ đẻ

0
126
Đau đầu khi bồ nằng nặc đòi công khai danh phận

Tôi ít khi kể chuyện gia đình mình ra cho mọi người nhưng lần này tôi phải kể ra người chồng vàng mười của mình để chị em đừng có lúc nào cũng cứ chê đàn ông này nọ.

Tôi lấy chồng được hơn 1 năm. Gia đình chồng tôi thuộc hàng khá giả và người ta thường gọi anh là “công tử bột”. Gọi thế cũng đúng vì từ khi được sinh ra đến lúc lấy vợ, anh chưa phải động tay vào một việc gì.

Thế nhưng từ lúc tôi mang bầu, anh bắt đầu thay đổi 180 độ. Được như thế cũng nhờ công tôi “huấn luyện” đấy cả nhà ạ.

Chính xác là chồng công tử của tôi mới bắt đầu xắn tay vào làm việc nhà từ khi tôi có dấu hiệu mang thai. Thấy mọi người bảo mang bầu phải kiêng mấy thứ hóa chất này nọ nên tôi áp dụng triệt để. Hơn nữa cứ ngửi thấy mùi dầu rửa bát là tôi muốn buồn nôn luôn. Thế nên, công việc rửa bát sẽ vào tay chồng rồi và dĩ nhiên, người huấn luyện cho chồng công tử không ai khác ngoài vợ – là tôi rồi.

Ngày đầu tiên, tôi bảo anh cho dầu vào bát, hòa chút nước cho tan rồi đưa giẻ rửa bát vào nhúng. Sau đó mới tráng qua và rửa từng bát một. Chồng tôi chuẩn bị tư thế rửa bát sẵn sàng với tai phone nghe nhạc đeo hai bên tai và tay đeo găng cao su vào huýt sáo bảo: “Chuyện nhỏ vợ yêu”.   

Từ lúc mang bầu, tôi bắt đầu huấn luyện chồng công tử làm việc nhà. Ảnh minh họa.

Bát thứ nhất vừa đặt xuống, tôi vui mừng thế là đã thành công một việc. Thế nhưng đến bát thứ ba sau khi lau xong, chồng công tử của tôi bỗng nhiên hét ầm lên. Tôi quay lại nhìn thì hóa ra chàng đang làm xiếc với cái bát trên không trung và choang, tiếng bát rơi xuống nhà cùng khuôn mặt nhăn nhó của chồng làm tôi không nhịn được cười.

Tuy nhiên, không thể vội tha được, tôi đành hy sinh vài cái bát để chồng thành thục công việc mới vậy. Cuối cùng sau 2 ngày chồng công tử của tôi đã rửa bát thành thạo.

Đến việc giặt quần áo, bấm giặt quá là đơn giản, tuy nhiên để bê quần áo lên tầng thượng (tầng 4) và bê đi phơi thì dĩ nhiên, bà bầu không được làm rồi. Việc này tiếp tục lại rơi vào ông chồng chưa biết các chức năng của từng nút bấm máy giặt ra làm sao.

Tôi lại phải cất công huấn luyện cho chàng, chỉ từng nút bấm một. Dĩ nhiên, với tài công nghệ thông minh của chàng thì quá đơn giản. Thế nhưng công cuộc phơi đồ mới là cả kỳ công.

Chồng công tử bê cả chậu đồ ra mắc phơi rồi bảo: “Treo từng cái một à em?” “Dĩ nhiên rồi anh”. Chàng lại nhăn nhó cầm từng cái, giũ giũ rồi ngoắc ngược ngoắc xuôi vào mắc phơi. Cuối cùng, sau gần 1 tiếng vật lộn chàng cũng đưa hết chậu quần áo lên dây phơi. Tôi vỗ tay hoan nghênh chồng rộng ràng, chàng chĩa môi “xì” một cái rõ dài bê chậu đi xuống.   

 

Cuối cùng, sau gần 1 tiếng vật lộn, chồng công tử đã thành công treo cả chậu quần áo lên dây phơi. Ảnh minh họa.

Tiếp đến là công việc lau nhà. Việc này có lẽ đơn giản nhất với chàng vì chỉ mỗi nhúng nhúng cái chổi lau vào nước rồi đẩy mấy vòng khắp nhà là xong. Có lẽ đây cũng là việc chàng háo hức nhất vì vừa được vợ khen vừa được rèn luyện cơ bắp. Thế nhưng, làm được 2 hôm, chàng kêu: “Mỏi lưng quá vợ à, thôi 1 tuần mình lau nhà một lần nhỉ”. Nhìn khuôn mặt biểu cảm của chồng công tử, tôi đồng ý cho chàng luôn còn hơn là bỏ đống cho tôi làm.

Đến lúc sinh con thì ôi thôi không hết chuyện hài để kể. Nguyên do là ông bà hai bên ở quê đều đang đi làm cả, chồng tôi lại còn hùng hồn tuyên bố: “Con tự chăm vợ được” nên các bà ở quê ung dung cho con rể và con trai chăm bà đẻ thôi.

Thế nên hôm đưa vợ đi sinh, chồng công tử của tôi cuống cuồng chạy ngược chạy xuôi đưa vợ đi kiểm tra rồi lên bàn đẻ, rồi thái độ của anh khi mới nhìn mặt con làm tôi không nhịn được cười. Sau khi tôi vượt cạn thành công, chồng vào nhìn thấy con nằm cạnh mẹ hỏi luôn: “Con mình thật đây hả vợ?” Sau đó chàng lớ ngớ xoay ngược xoay xuôi tìm cách bế con mà không được rồi buông một câu: “Sao con bé thế em nhỉ? Bế lên sợ con rơi xuống quá vợ à!” Lúc đó, những bà đẻ xung quanh nghe được cười ầm lên, chàng mới tẽn tò đỏ ửng mặt nhờ bác gái bên cạnh hướng dẫn cách bế con.

Sau 3 ngày nằm viện, các bác sĩ cho tôi về nhà. Chồng công tử háo hức sửa soạn “ổ” cho tôi từ 2 tuần trước, về nhà mẹ con tôi chỉ việc nằm trong phòng nghỉ dưỡng. Bao nhiêu việc nhà tôi đã hướng dẫn từ 9 tháng trước nên chàng làm ngon ơ. Nhưng thêm việc chăm con nhỏ thì chàng lúng túng chẳng biết xoay xở ra sao. Con nhỏ đói sữa, quấy đêm khiến chồng công tử quay như chong chóng.

Vì tôi sinh mổ nên sữa chưa về, vậy là chàng thêm công pha sữa cho con và những việc không tên khác mà tôi không thể đụng tay vào nữa. Quần áo con mới sinh ngày nào cũng chất đống vì cứ mươi phút con lại ỉa đái một lần, tôi còn yêu cầu chàng phải giặt đồ con bằng tay để không bị hỏng nên chàng lại hì hụi ngồi vò từng cái trong nhà vệ sinh.

Khi tôi đi ăn, dĩ nhiên công việc bế dỗ con là phần chàng rồi. Có hôm tôi vừa lò dò đi lên phòng, chàng đã hét ầm lên cầu cứu: “Em ơi nhanh lên con, con, con…”. Tôi ba chân bốn cẳng chạy vào thì cảnh tượng hiện ra khiến tôi không nhịn được cười… Thì ra cu con vừa đi nặng vừa kết hợp đi nhẹ, bao nhiêu nước đái chàng bé phun hết vào mặt bố, chồng công tử mặt ướt đẫm, khẩu trang bịt mũi cũng đầy nước treo lủng lẳng một bên tai chàng…   

 

Cảnh tượng chồng và con trước mắt khiến tôi không nhịn được cười. Ảnh minh họa.

Có hôm, nằm mơ chàng cũng ú ớ vỗ vỗ ru con ngủ rồi mơ đang giặt đồ lại chạy vội đi pha sữa cho con. Hôm sau, điều chàng mơ thành hiện thực thật. Thấy chàng giặt chậu đồ của con mãi chưa xong, tôi hét ầm lên gọi chàng đi pha sữa. Chồng cuống cuồng đi lấy phích nước chạy hớt hãi lên, đầu tóc vẫn đang dính đầy bọt xà phòng, mặt mếu máo: “Làm sao nhét con vào lại bụng em vài ba năm nữa chứ thế này anh mệt quá vợ à”.

Nhìn bộ dạng của chồng lúc đó, tôi vừa thương vừa không nhịn được cười. Vậy là ngay hôm sau, tôi phải gọi điện cầu cứu bà ngoại từ quê lên chăm mẹ con cho chồng công tử đi làm.

Đấy ai bảo đàn ông không biết làm việc nhà, ai bảo lấy chồng công tử khổ, chỉ phụ thuộc vào công “huấn luyện” của chị em thôi nhé.

Nguồn: Theo Người đưa tin

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.