“Cười ra nước mắt” với sự sáng tạo ngôn ngữ của “cư dân mạng”

Xem ra, cư dân mạng cũng mắc phải không ít bệnh “nan y”.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội ở Việt Nam góp phần hình thành một “tầng lớp” dân cư mới: cư dân mạng. Cách sử dụng ngôn ngữ của “cư dân mạng” đôi khi khiến chúng ta cười ra nước mắt.

Cũng từ cách sử dụng ngôn ngữ của cư dân mạng, chúng ta có thể thấy những “bệnh thường gặp” của cộng đồng mạng ở Việt Nam.

Đầu tiên, cư dân mạng là những người có “sức đề kháng” rất yếu. Điều đó được thể hiện ở chỗ: họ rất hay bị… sốt. Dù chỉ một tác động rất nhỏ bé cũng khiến họ sốt. 

Chỉ cần nhìn một cô gái đẹp, họ cũng có thể bị… sốt. Chẳng thế mà, những cụm từ kiểu như: phát sốt với đường cong của Ngọc Trinh; phát sốt với vẻ đẹp của cô gái bán bánh tráng trộn, phát sốt với… xuất hiện tràn lan trên “nhà” của các cư dân mạng. 
 

Ngoài ra, họ còn rất hay bị “đắng lòng”. Cái sự “đắng lòng” có thể xuất phát từ những chuyện rất… vu vơ. 

Rõ ràng, với những biểu hiện “lâm sàng” ấy, chúng ta không thể không lo lắng cho sức khỏe của “cư dân mạng” được.

Không chỉ dễ ốm, cư dân mạng còn rất dễ bị “hoảng loạn”. Chỉ tác động nhỏ bé nhất cũng khiến họ “kinh hoàng”. Nếu thử, seach trên google, bạn sẽ thấy điều này hoàn toàn đúng. Chỉ cần chiếc mụn đen cũng khiến cộng đồng mạng… kinh hoàng.

Sự mong manh, dễ vỡ của cộng đồng mạng cũng khiến cho cả thời tiết nơi cư dân mạng “sinh sống” thường xuyên nổi dông bão. Chẳng thế mà, một câu nói của người nổi tiếng, một ánh mắt nhìn hút hồn của cô bán thịt lợn… cũng có thể “gây bão”.

Một đặc điểm rất dễ nhận thấy nữa là tính “cẩu thả” của cộng đồng mạng. Bất cứ cái gì họ cũng có thể làm rơi vãi. Vì vậy, những cụm từ kiểu có “vãi” xuất hiện với mật độ dày đặc trong cộng đồng mạng. 

Tuy nhiên, ngoài sự mong manh, yếu đuối thì cư dân mạng toàn là những người tốt. Họ luôn mạnh mẽ đấu tranh với cái xấu để bảo vệ những điều tốt đẹp. Sẽ là không quá nếu cho rằng cộng đồng mạng là những vị quan tòa công tâm và mẫn cán nhất. Bất cứ câu chuyện nào trong đời sống cũng được họ đem ra phán xét và… đánh giá. Đôi khi, sự phán xét ấy có phần phiến diện nhưng nó vẫn thể hiện cái “tâm” trong sáng và thánh thiện của những “cư dân mạng”.

Có lẽ vì quá tốt nên họ cũng rất hay…ném đá. Họ “ném đá” bất cứ cái gì mà họ cho rằng “ngang tai trái mắt”. Sự tích cực ném đá ấy đôi khi khiến nhiều người khốn đốn.

Trở thành cư dân mạng xã hội, chúng ta cũng dễ dàng trở thành người đẹp. Dân mạng rất hào phóng trong việc phong “danh hiệu” cho ai đó. Họ không ngần ngại đưa ai đó lên “hạng nhất” một cách dễ dàng và… thoải mái. Chẳng thế mà một giám thị, một cô gái mới lớn cũng có thể trở thành người “xinh nhất vịnh Bắc bộ”….; Một chiến sỹ cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ cũng được cộng đồng mạng ưu ái phong người “có chất giọng hay nhất Việt Nam”; Một cô gái có nhan sắc một chút thì được phong ngay là “mỹ nữ vạn người mê”…

Ngoài ra, những hiện tượng như “ảo tưởng sức mạnh”, “vậy hoy đi nha”, “xin lỗi anh (em) chỉ là… đang dần trở thành những trào lưu sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng mạng.

Có thể nói, cộng đồng mạng là nơi sáng tạo ra những cụm từ đầy thú vị nhưng đôi khi không tuân theo một quy luật ngôn ngữ nào cả. Sự sáng tạo ấy làm nên sức hấp dẫn của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, chính sự sáng tạo ấy (đặc biệt là ngôn ngữ tuổi teen) đang làm mất dần sự trong sáng của tiếng Việt. 

Bạn có cách nào để “chữa trị” những căn bệnh “nan y” về ngôn ngữ tự phong của cư dân mạng không? Hãy gửi cho Phunuvagiadinh những “phương pháp” chữa bệnh của bạn vào địa chỉ info@phunuvagiadinh.vn hoặc phản hồi vào cuối bài viết.

Nguồn: Theo Vietnamnet

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.