Các nhà khoa học Anh vừa tiết lộ sau cái chết của cừu Dolly, cách đây hơn 3 năm họ đã nhân bản và cho ra đời 4 con cừu khác sử dụng tế bào từng dùng để tạo ra Dolly. Vì thế, nhóm cừu mới – với tên gọi Dollies – giống y chang Dolly và cừu mẹ ban đầu về mặt gien di truyền.
Những hậu duệ của cừu Dolly. Ảnh: Daily Mail |
Là động vật nhân bản đầu tiên, Dolly thu hút sự chú ý của cả thế giới khi chào đời tại Đại học Roslin (Scotland) năm 1996. Dù Dolly được xem là điểm son trong ngành công nghệ sinh học, nhưng các chuyên gia cảnh báo nó sẽ dễ bị bệnh tật, sẩy thai khi cho giao phối và chết sớm. Năm cừu Dolly lên 6, các chuyên gia buộc phải kết liễu cuộc đời nó do con vật phải chịu đựng cùng lúc 3 chứng bệnh viêm khớp, viêm phổi cấp tính và suyễn.
Đàn cừu Dollies được tạo ra nhằm mục đích giúp các nhà khoa học kiểm tra xem những tiến bộ về mặt công nghệ có thể làm giảm nguy cơ bệnh tật cho động vật sinh sản vô tính hay không. Để có được Dollies, nhóm đã sử dụng tế bào tuyến vú từng tạo ra Dolly – vốn còn dư và được đông lạnh từ đó đến nay.
Giáo sư Keith Campbell, người đang chăm sóc bầy cừu Dollies tại Đại học Nottingham, cho biết bầy cừu hiện đang sống rất khỏe mạnh và các chuyên gia vẫn đang theo dõi diễn biến sức khỏe của chúng. Ông cho biết Dollies chưa có bất cứ biểu hiện gì bất ổn về sức khỏe hay bị suyễn giống như Dolly ngày xưa. Trước đây, để nhân bản ra cừu Dolly, các nhà khoa học phải sử dụng tổng cộng 227 trứng mới chọn ra được một trứng tốt để nhân bản. Lần này, số trứng dùng để nhân bản ra một cừu Dollies giảm chỉ còn 5. Tuy vậy, giáo sư Campbell cho rằng công nghệ nhân bản đến giờ này vẫn chưa thật hoàn hảo và cần được cải tiến hơn nữa.
Theo Báo Cần Thơ