Mỗi con voọc chà vá được lực lượng kiểm lâm tại Quảng Nam thu bắt được từ người dân đều được chuyển về Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), chúng sẽ được các chuyên gia ở đây chăm sóc, chữa trị.
Với nguyên tắc phải trả voọc về lại chỗ rừng chúng đã sinh sống, sau thời gian điều dưỡng, chữa trị, từ đây chúng sẽ được đưa về “nguyên quán” ở thời điểm thích hợp. Trung tâm cứu hộ linh trưởng tại vườn quốc gia Cúc Phương đã cứu được hàng chục con voọc quí bị thương như voọc đầu trắng (một trong 25 loài có tên trong sách đỏ thế giới), nuôi nhốt cho sinh sản sau đó thả ra môi trường tự nhiên.
Phải giữ như một di sản
Là vùng rừng giáp ranh giữa các xã thuộc ba huyện (Phú Ninh, Tiên Phước và Bắc Trà My) ở Quảng Nam nên việc quản lý các vùng rừng trong khu vực heo hút không dễ thực hiện. “Giữa rừng sâu này họ có săn bắn cũng không ai biết được. Cái cây gỗ to đùng mà họ còn cưa trộm, còn chuyển đi được, huống chi con voọc chỉ bỏ trong cái bao mang sau lưng là được” – anh Thanh, người dẫn đường cho chúng tôi, nói. Những người Kor ở Trà Sung cho biết so với những đàn khỉ trong vùng thì “dân số” những đàn voọc ngày càng ít hơn nhiều, có thể voọc sinh sản ít hơn và cũng có thể do chúng bị săn giết.
Rừng già ở chân núi Dương Bà Dụ bị người dân xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) chặt hạ để trồng cây, xâm hại đến sinh cảnh của đàn voọc ở núi này (Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ) |
Nhưng điều lo ngại nhất cho những đàn voọc ở Trà Sung là chuyện môi trường: liệu sắp tới có còn rừng cho chúng sống? Một số diện tích nhất định ở những vùng rừng này chưa bị xâm phạm do được các làng người Kor giữ gìn. Nhưng ở các vùng rừng tiếp giáp – nơi đàn voọc thường đến ăn – đã bị xâm hại bởi nạn khai thác gỗ trộm. “Đây là mấy chỗ khai thác gỗ để làm nhà cho dân theo chương trình 134 của Nhà nước. Nhưng nghe nói người ta thường làm vượt chỉ tiêu”, anh Thanh chỉ vào những chỗ rừng cây bị đốn hạ trống hoang ở Tiên Lập, Trà Kót, nói. Bị săn giết, chỗ sinh sống lại bị xâm phạm, có lẽ là lý do khiến những đàn voọc ở đây chậm tăng số lượng cũng như trở nên quá sợ con người.
Làm thế nào để bảo tồn đàn voọc như là một di sản của địa phương? Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh Bùi Quang Minh bức xúc: “Chúng tôi biết là rừng của mình có đàn voọc nên năm 2006 đã đề nghị sớm có kế hoạch bảo vệ đàn voọc nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Phần địa phương chỉ có cách tuyên truyền cho bà con phải bảo vệ đàn voọc”. Chủ tịch Minh cũng cho rằng ông ít lo sợ đàn voọc bị săn giết bằng việc chúng sẽ bỏ đi nơi khác vì môi trường sống của chúng bị xâm phạm.
Vậy mà, theo ông Minh, không kể những vụ trộm gỗ không bắt được, hai tháng trước đây ngành chức năng xã Tam Lãnh đã bắt được hai khối gỗ khai thác tại khu vực rừng có voọc. Thêm vào, theo ghi nhận của chúng tôi, có gần 1,5 ha rừng già ở chân núi Dương Bà Dụ vừa mới bị người dân chặt hạ để trồng rừng (trong đó có khoảng 1ha xã chưa hay biết). “Thật đáng tiếc khi đến nay vẫn chưa có kế hoạch bảo vệ những đàn voọc ở đây. Nhưng càng tiếc xót hơn nữa nếu vì sự chậm trễ của ngành chức năng cấp trên mà những đàn voọc này không còn ở đây nữa“, chủ tịch Minh bày tỏ.
“Những người trẻ không quay mặt với tự nhiên và môi trường”
Rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) sau cơn mưa ẩm ướt và nhầy nhụa bùn đất, có một cô gái trẻ len qua những lùm cây, chọn những đầu lá non nhất bỏ vào giỏ của mình. Vừa gạt những con vắt khát máu bu đầy trên bắp chân, cô gái trẻ nhoẻn miệng cười giải thích: “Loài voọc mỗi bữa phải ăn 8-16 loại lá khác nhau, chỉ ăn một loại sẽ có nguy cơ bục dạ dày chết mất nên mưa tối hay đêm cũng phải đi hái lá cho đủ”.
Cô gái trẻ đó là Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1990), cựu học sinh chuyên sinh Amxtexdam (Hà Nội), hiện đang làm việc tại Quĩ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), là đội trưởng đội dự án “Thay đổi hành vi giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam” của WWF.
Từ hai năm nay, Trang đến Trung tâm cứu hộ linh trưởng tại vườn quốc gia Cúc Phương cùng ăn, cùng ngủ với những chú voọc, vượn để có những tư liệu chân thực và sống động nhất khi viết cuốn Cẩm nang cứu hộ linh trưởng Việt Nam. Trước đó, năm 2005 khi đang là học sinh lớp 11, trong triển lãm khoa học, môi trường dành cho học sinh, sinh viên thế giới tại Thái Lan (Thailand international sciences fair 2005), bộ hình ảnh, thông tin “Voọc chà vá chân xám kêu cứu” của Trang thực hiện ở nhiều khu rừng quốc gia được ban tổ chức đánh giá cao và gọi đó là “những người trẻ không quay mặt lại với tự nhiên và môi trường”.
Hiện tại, cuốn cẩm nang của Trang đã hoàn thành với những mục tiêu cơ bản như cung cấp những thông tin nhận dạng chính xác các loài linh trưởng, đặc biệt là một số loài voọc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại VN để bảo tồn; cách cứu hộ linh trưởng, những biện pháp sơ cứu khi linh trưởng bị thương; mô tả môi trường tự nhiên sống của linh trưởng; qui trình thả linh trưởng trở về với tự nhiên… Cuốn cẩm nang cũng được Trang gửi đến WWF để chờ duyệt kinh phí thực hiện. Nếu được duyệt thì đây là cuốn cẩm nang đầu tiên và đầy đủ nhất về bảo tồn linh trưởng tại VN.
Với một loạt thành tích trong các cuộc thi về môi trường cho học sinh trong nước và quốc tế, Trang đã nhận được một suất học bổng ĐH ba năm chuyên ngành bảo tồn động vật hoang dã tại Đại học Liverpool John Moores (Anh). “Nhưng nếu dự án được duyệt, Trang sẽ tạm bảo lưu khóa học để ở lại trong nước thực hiện”, Trang cho biết.
HUỲNH VĂN MỸ – TRẦN ĐÌNH TÚ
Theo Tuổi trẻ