Dạy con kỹ năng xã hội từ nhỏ: Việc không thừa!

0
127
Thể hiện cách cư xử tốt, giao tiếp hiệu quả với mọi người, quan tâm đến cảm xúc của người khác và thể hiện nhu cầu cá nhân là tất cả các thành phần quan trọng của kỹ năng xã hội. Phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng và đòi hỏi phải có cách thức khác nhau trong từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Cần phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Các bé khi chưa biết nói có thể giao tiếp xã hội qua nụ cười và cách nói chuyện ú ớ. Ở giai đoạn này, trẻ chỉ nhận biết về những nhu cầu và mong muốn của mình. Vì vậy hãy cố gắng nói chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi. Ngay cả khi chúng khóc và gây ồn, bạn cũng nên trả lời chúng để khuyến khích trẻ nói chuyện với bạn. Đó cũng là cách để bạn chứng minh cho trẻ thấy các biểu hiện của kỹ năng xã hội thông qua hành vi của chính bản thân mình. 
Đồng thời, bằng cách trả lời tiếng khóc và mong muốn của trẻ, bạn đang khuyến khích trẻ nên có thái độ ân cần trước nhu cầu của người khác. 
Các ông bố, bà mẹ còn cần phải thể hiện sự chú ý và tình yêu của mình với trẻ. Hôn và bế bé có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển khả năng giao tiếp xã hội của chúng. Đó là một nhu cầu cơ bản ở giai đoạn này và không nên nhầm lẫn với việc sẽ làm hư một đứa trẻ khi chú ý tới chúng quá nhiều.
Tôn trọng cá nhân và tài sản của trẻ
Trong giai đoạn trẻ mới biết đi, trẻ em được tiếp cận với một số từ và câu cơ bản. Chúng có xu hướng chơi một mình hơn là việc chia sẻ đồ chơi hoặc đồ dùng với người khác. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tạo ra một môi trường xã hội trong nhà. Bạn có thể mời phụ huynh và những đứa trẻ khác đến để tiếp xúc với con mình.
Dạy trẻ các quy tắc cơ bản. Đó có thể là việc chia sẻ đồ chơi, cách nói năng khi cáu giận; tán thưởng, khen ngợi khi trẻ thể hiện sự dịu dàng và biết chia sẻ với người khác.

Mở rộng các mối quan hệ bạn bè cho trẻ khi đến tuổi mẫu giáo
Mẹ có thể tổ chức những “sự kiện” xã hội cho con khi bé đã đến tuổi mẫu giáo để tăng sự tương tác xã hội của bé. Nghe thì có vẻ “to tát” nhưng mẹ chỉ cần tham khảo một số gợi ý như: tổ chức những bữa tiệc nhỏ, những buổi họp mặt,… với những bé cùng tuổi khác bằng cách mời hàng xóm, bạn bè đưa con cái họ đến nhà chơi.
Mẹ cũng nên dạy bé cách sử dụng lời nói thay vì đánh bạn. Hãy khuyến khích con biết xin lỗi nếu chúng đã làm tổn thương cảm xúc của một đứa trẻ khác. Khuyến khích bé nói lên cảm xúc của mình, giúp con tìm được những từ thích hợp để mô tả cảm xúc đó. 

Phát triển kỹ năng xã hội trong độ tuổi trung học
Khi trẻ đi học, chúng có một môi trường tương tác nhiều hơn với người khác. Chúng có thể chia sẻ đồ chơi và bộc lộ cảm xúc, nhu cầu của chúng với mọi người. Lúc này, bố mẹ nên cố gắng thể hiện cách cư xử tốt bởi trẻ em hay quan sát và bắt chước người lớn. Dạy chúng những kỹ năng xã hội bằng cách tạo ra những ví dụ tích cực và luôn thân thiện với mọi người. Khi trẻ gặp phải tình huống xung đột, hãy khuyến khích chúng đưa ra các giải pháp để giải quyết cuộc xung đột hiệu quả.
Bố mẹ cũng nên dạy cho trẻ cách đánh giá điểm mạnh và những sự khác biệt của mọi người. Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện tài năng và sức mạnh của chúng, đồng thời khuyến khích trẻ biết ca ngợi điểm mạnh và có suy nghĩ tích cực về bạn bè.

Những kĩ năng trên không chỉ giúp con biết cách cư xử tốt, giao tiếp hiệu quả với mọi người, quan tâm đến cảm xúc của người khác và thể hiện nhu cầu cá nhân; hơn thế nữa, chúng giúp cho bé có một sự “trang bị” kĩ càng cho cuộc sống tương lai, giúp con cân bằng cuộc sống, vượt qua khó khăn cũng như nắm bắt được cơ hội để thành công. Bởi vậy, dạy con kĩ năng xã hội ngay từ nhỏ không bao giờ là thừa đối với bất cứ bố mẹ nào.
Thụy Du 
(Dịch theo WH)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.