Nhắn tin trong lúc lái xe được cho là hành động nguy hiểm vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác, nhưng công nghệ mới sẽ thay đổi hoàn toàn suy nghĩ này.
Tình trạng lái xe nhắn tin trong lúc đi đường có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu. Thậm chí một số nước như Phần Lan và ngay tại Việt Nam, cơ quan chức năng còn cấm sử dụng điện thoại thông minh hoặc bất kỳ thiết bị truyền thông nào khác do lo ngại ảnh hưởng tới an toàn giao thông. Tài xế rất dễ phân tâm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trên đường.
Nhắn tin khi lái xe hơi đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người
Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra giải pháp cho phép lái xe nhắn tin mà không ảnh hưởng tới quá trình điều khiển phương tiện. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ hiển thị HUD và loại bàn phím bấm truyền thống giúp giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Aalto và Jyvaskyla chính là tác giả của kỹ thuật nhập văn bản mới. Tài xế vẫn giữ mắt hướng về phía trước để quan sát đường, đồng thời nhìn rõ những ký tự mà mình gõ, tiện dụng hơn nhiều so với việc phải chăm chăm vào màn hình cảm ứng.
Các nhà nghiên cứu sử dụng môi trường giả lập
Theo đánh giá từ chuyên gia, kỹ thuật mới giảm thiểu 70% số trường hợp lái xe lao khỏi đường do nhắn tin điện thoại. Bài kiểm tra dựa trên mô hình mô phỏng lái xe trong môi trường ảo. Tài xế sẽ được trải nghiệm cảm giác như đang lái xe trong đô thị và cả khu vực nông thôn, đồng thời thử nhắn tin theo cách mới.
“Nghiên cứu của chúng tôi xuất phát từ nhu cầu giảm thiểu nguy hiểm do sử dụng điện thoại thông minh trong lúc lái xe. Mặc dù có thể gây tai nạn, thậm chí pháp luật đã cấm, nhưng tình trạng nhắn tin khi đi đường vẫn diễn ra nhiều trên toàn thế giới. Chúng tôi nỗ lực đưa ra giải phái giúp tài xế điều khiển phương tiện mà không bị phân tâm”, Giáo sư Antti Oulasvirta đến từ Đại học Aalto phát biểu.
Hướng nghiên cứu của các nhà khoa học là làm sao để lái xe ít phải nhìn vào bàn phím để giữ đôi mắt luôn tỉnh táo quan sát đường. Đây cũng giống như giải pháp mà những công cụ định vị GPS, hiển thị danh bạ điện thoại hoặc tên người dùng từng áp dụng trên xe hơi.
Thử nghiệm dùng loại bàn phím truyền thống vốn rất quen thuộc với mọi người.
“Trong các thử nghiệm, chúng tôi sử dụng máy chiếu hình ảnh lên kính chắn gió xe hơi. Mấu chốt nằm ở việc xác định vị trí hiển thị văn bản sao cho hợp lý không che khuất tầm nhìn của lái xe nhưng vẫn đủ để họ thấy rõ văn bản trong lúc nhắn tin”, Oulasvirta nói.
Ý tưởng khá đơn giản nhưng hiệu quả và có giá phải chăng. Nhóm nghiên cứu sử dụng bàn phím loại T9 với 12 nút có giá vài chục euro được gắn ở vô-lăng, đi kèm theo đó là công nghệ hiển thị HUD (hiển thị trên kính chắn gió xe hơi) phổ biến trên xe hơi.
“Ưu điểm của bàn phím T9 là rất quen thuộc với người dùng từ thời điện thoại Nokia, nên nó dễ để soạn tin nhắn. Mọi người đều không cần quá tập trung vào bàn phím giống như trên màn hình cảm ứng“.
Kết quả thu được khá tích cực, nhưng hiện chỉ giới hạn trong môi trường mô phỏng ảo. Để cho ra sản phẩm hoàn thiện, các nhà nghiên cứu còn phải thực hiện thêm nhiều bài kiểm tra nữa, đặc biệt với những người chưa một lần sử dụng bàn phím T9. Mắt tài xế nếu không bị phân tâm quá nhiều sẽ quan sát đường tốt hơn, giảm thiểu rủi ro gây tai nạn.
Theo genK.vn