Đa số các quốc gia ở châu Á-TBD sẽ bị thiếu nước

Nghiên cứu chung mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Diễn đàn Nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APWF) cho thấy hơn 75% quốc gia trong khu vực này đang trải qua mối đe dọa thiếu nước nghiêm trọng, nhiều nước trong số đó phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước sắp xảy ra, trừ khi họ thực hiện ngay lập tức các biện pháp cải thiện quản lý tài nguyên nước.

>>> Nguồn nước ngầm Việt Nam suy giảm

Bindu Lohani, Phó Chủ tịch ADB về Quản lý Tri thức và Phát triển bền vững cho biết, mặc dù khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành cường quốc kinh tế, vấn đề đáng báo động là không một quốc gia đang phát triển nào trong khu vực có thể được xem là “đảm bảo an toàn nước,” do đó các quốc gia phải khẩn trương cải thiện quản lý nguồn nước thông qua phương cách lãnh đạo đầy năng lực và hoạch định chính sách sáng tạo.

Tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra ở các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương

Ông cho biết nghiên cứu Triển vọng Phát triển Nước ở châu Á năm 2013 đã đưa ra các phân tích định lượng và toàn diện đầu tiên về an ninh nước trên cơ sở từng quốc gia trong khu vực. Nghiên cứu xem xét tất cả các cấp độ an ninh nước, từ cấp hộ gia đình cho đến các thảm họa liên quan đến nước, và sử dụng các chỉ số cùng hệ thống bậc thang để xếp hạng sự tiến bộ của mỗi nước trong số 49 quốc gia được đánh giá.

Nghiên cứu cho thấy rằng 37 quốc gia đang phát triển trong khu vực hoặc có mức an ninh nước thấp hoặc chỉ bắt đầu tham gia vào nhiệm vụ cốt yếu về cải thiện an ninh nước, trong khi 12 quốc gia khác đã thành lập hệ thống cơ sở hạ tầng và quản lý nguồn nước. Tuy nhiên, không có quốc gia nào trong khu vực cho thấy đã đạt đến cấp độ mô hình cao nhất về an ninh nước.

Nam Á và một số khu vực miền Trung và Tây Á đang trong tình trạng tồi tệ nhất, có nguồn nước ở các dòng sông đang trong tình trạng rất căng thẳng. Nhiều đảo Thái Bình Dương cũng phải chịu sự thiếu thốn nước sạch và vệ sinh môi trường, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai ngày càng nghiêm trọng.

Ngược lại Nam Á, nơi có tần số các mối nguy hiểm cao nhất trong khu vực, lại tốt hơn do mức độ đầu tư trong phòng chống thiên tai cao. Tuy nhiên, an ninh nước đô thị vẫn còn yếu kém tại nhiều thành phố và thị trấn.

Nghiên cứu trên nhấn mạnh hai thực tế khắc nghiệt, đó là sự bất bình đẳng gia tăng trong việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường và tình trạng không ổn định của các con sông ngày càng tăng; đồng thời đưa ra các biện pháp có thể áp dụng để cải thiện an ninh nước nhằm giảm thiểu áp lực ngày càng tăng từ bùng nổ dân số, đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, khai thác nước ngầm quá mức, biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.

Tầm quan trọng của việc sử dụng nước hữu ích hơn, bao gồm tái chế nước đã sử dụng, tăng cường đầu tư vệ sinh môi trường, khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm và năng lượng sử dụng nước hiệu quả, áp đặt nhiều hơn nữa các quy định về sử dụng nước ngầm, nâng cấp các dịch vụ thủy lợi, tăng cường quản lý lưu vực sông, huy động nhiều hơn nữa đầu tư khu vực tư nhân làm sạch các con sông và cải thiện quản lý rủi ro thiên tai, tất cả đều cần thiết cho một tương lai an toàn nước, cũng được nghiên cứu đề cập đến.

 

Theo Vietnam+