Sông Amazon đã từng chảy theo hướng ngược lại, từ đông sang tây. Sự đảo chiều của dòng sông lớn nhất thế giới trên Trái đất không phải là điều tầm thường, và các nhà địa chất đã suy ngẫm về nguyên nhân của sự việc này trong một khoảng thời gian rất dài.
Trong một nghiên cứu được công bố gần đây, Tiến sĩ Victor Sacek của Đại học Sao Paolo (Brasil), đã chứng minh rằng sự xói mòn là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi to lớn này.
Phía tây của lục địa được trấn giữ bởi dãi núi Andes hùng vĩ nên có vẻ hợp lý khi con sông lớn nhất Nam Mỹ này chảy về hướng đông. Sông Amazon mỗi năm đổ ra biển lượng nước lớn gấp năm lần so với bất kỳ con sông nào trên thế giới.
Tuy nhiên, 10 triệu năm trước, hầu hết khu vực được gọi là lưu vực sông Amazon hiện tại được thoát nước bởi một con sông chảy về phía tây đổ vào một hồ nước khổng lồ nằm dưới chân núi phía bắc của dãy Andes. Từ đó dòng nước đổ về phía Bắc hướng tới vùng biển Caribe. Cho tới khi eo đất Panama vẫn chưa được hình thành, dòng nước này sau đó được chuyển xuống phía tây đổ vào Thái Bình Dương.
Để nghiêng toàn bộ lục địa và thay đổi hướng của một con sông cần có những động lực rộng lớn như sự thay đổi của đối lưu trong lớp vỏ trái đất, được tạo ra bởi sự tan rã của châu Phi và Nam Mỹ.
Sacek, mặt khác, chỉ ra rằng sự nổi lên của dãy Andes cũng như việc Nam Mỹ chồm lên mảng địa chất Nazca Plate có thể giải thích quá trình trên trong niên đại thích hợp. Sacek cũng đưa ra thực tế là khi dãy núi mọc lên nó sẽ chặn những đám mây mang mưa, do đó gây xói mòn nhiều hơn.
Rừng mưa, lưu vực sông Amazon chiếm tới 1/3 diện tích Nam Mỹ
Lúc đầu sự nổi lên của dãy Andes tạo ra một rãnh địa chất ở phía Đông, hình thành một hồ lớn làm trống dòng chảy về phía tây của Amazon. Tuy nhiên, theo thời gian, độ sâu của hồ bị giảm dần do dãy núi Andes ngừng cao và mức xói mòn ngày càng tăng, dẫn tới hồ nước này bị thay thế bởi một loạt vùng đất ngập nước được gọi là Pebas. Lúc đó vùng đầm lầy rộng lớn Pebas chưa có hệ sinh thái như những gì chúng ta thấy ngày hôm nay, nhưng tích tụ trầm tích đã nâng khu vực này lên tới mức mà lượng nước mưa trong khu vực đã được đẩy lùi theo một hướng khác.
Mô hình này phù hợp hoàn toàn với quan sát cho thấy trầm tích lắng đọng ở miệng Amazon đã tăng lên trong thời gian dòng chảy của nó hướng về phía đông. Lúc đầu, khi thượng nguồn Amazon tương đối bằng phẳng, các trầm tích đã được đổ ở những nơi cách xa miệng sông.
Tuy nhiên Sacek cũng thừa nhận rằng mô hình của ông “không thể tái tạo đầy đủ sự phát triển không gian và thời gian của hệ thống Pebas như quan sát thấy trong dữ liệu địa chất” và cần có những nghiên cứu sâu hơn.