Đại học Stanford chế tạo thành công pin siêu rẻ, không cần lithium

Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Stanford đã phát triển thành công viên pin sử dụng natri với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với pin lithium-ion. Loại pin mới này có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên năng lượng mới, nhờ chi phí làm ra rẻ hơn, nguồn tài nguyên sẵn có và hiệu suất không quá chênh lệch so với pin lithium-ion.

Nguồn tài nguyên dồi dào


Đại học Stanford đã phát triển thành công những viên pin làm từ natri.

Theo trang Futurism, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Stanford đã phát triển thành công những viên pin làm từ natri, với khả năng lưu trữ năng lượng tương đồng với pin lithium nhưng chi phí thấp hơn tới 80%. Tuy đây không phải là lần đầu tiên pin làm từ natri được phát triển, nhưng cách tiếp cận mới này hứa hẹn sẽ mang lại tính hiệu quả cao hơn.

Zhenan Bao, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Hiện tại chưa có gì có thể vượt qua lithium về mặt hiệu suất. Nhưng do lithium rất hiếm và đắt, chúng ta cần phải tìm cách phát triển những viên pin khác có hiệu suất cao nhưng chi phí thấp dựa vào những tài nguyên dồi dào như natri”.

Natri có trong viên pin của Đại học Stanford được liên kết với một hợp chất được gọi là myo-inositol, một hợp chất hữu cơ thường thấy trong các sản phẩm gia đình như sữa bột trẻ em. Giống như việc natri dồi dào hơn rất nhiều so với lithium, myo-inositol có thể được lấy từ cám gạo hoặc từ các sản phẩm phụ thu được trong quá trình nghiền ngô. Điều này sẽ giúp chi phí để phát triển các viên pin được giảm đi đáng kể.

Pin chính là chìa khóa


Những viên pin giá rẻ với hiệu suất cao có vai trò rất quan trọng trong tương lai của năng lượng tái tạo. (ảnh: Tesla).

Khả năng tiếp cận với nguồn pin là một yếu tố then chốt trong cuộc cách mạng năng lượng sạch. Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió thường phụ thuộc và những điều kiện môi trường khó có thể đoán trước. Pin cho phép chúng ta lưu trữ nguồn năng lượng lớn và có thể để dành, mang ra sử dụng khi điều kiện không thuận lợi.

Những viên pin natri rẻ hơn có thể khiến năng lượng tái tạo trở nên dễ tiếp cận hơn với các khu vực mà chi phí đắt đỏ của pin lithium-ion là một rào cản tài chính khổng lồ.

Đại học Stanford vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn sản phẩm của mình trở thành hàng tiêu dùng đại trà. Các phân tích của nhóm nghiên cứu mới chỉ tập trung vào việc so sánh hiệu năng và chi phí, chứ chưa cân nhắc mật độ năng lượng/thể tích, hay các viên pin natri cần phải có kích thước như thế nào mới có thể lưu trữ nguồn năng lượng tương tự như pin lithium-ion.

Tuy chặng đường còn dài và nhiều trắc trở, nhóm nghiên cứu vẫn tỏ ra rất lạc quan và tin rằng thiết kế của họ vẫn còn có thể được cải thiện.

 

Theo vnreview