Đại nạn rắn hoành hành khiến đảo Guam bặt tiếng chim

Đại nạn rắn hoành hành khiến đảo Guam bặt tiếng chim

Các nhà chức trách Mỹ đang đau đầu tìm cách xóa sổ loài rắn xâm hại đang hoành hành trên đảo Guam, đẩy chim bản xứ đến bờ tuyệt chủng.

Guam, hòn đảo nhỏ ở tây Thái Bình Dương, đang phải đương đầu với đại nạn rắn cây nâu theo chân những chiếc tàu chở hàng của Hải quân Mỹ du nhập vào đảo dưới thời Thế chiến II cách đây 70 năm, theo RT.

Thợ săn bắt rắn cây nâu trên đảo Guam. (Video: BBC).

Khoảng hai triệu con rắn cây nâu phân bố ở nhiều khu vực trên hòn đảo dài 48km, tương đương 5000 con rắn/km2. Chúng tỏa ra từ căn cứ hải quân Mỹ ở cảng Apra Harbor vào giữa những năm 1940. Các nhà nghiên cứu cho rằng rắn cây nâu không đến từ Mỹ mà sống ở những hòn đảo Thái Bình Dương khác, nơi quân đội Mỹ đi qua.

Rắn cây nâu là thủ phạm làm rối loạn hệ sinh thái trên đảo Guam, xóa sổ phần lớn loài chim bản xứ. Trên thực tế, 10 trong tổng số 12 loài chim bản xứ ở Guam đã biến mất vào giữa thập niên 1980, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications. Một số loài chim khác chỉ có thể tìm thấy trong những trung tâm nhân giống đặc biệt.

Quần thể chim bị tàn phá cũng ảnh hưởng nặng nề tới hệ thực vật ở Guam do sự giảm mạnh trong số lượng các loài gieo hạt. Tỷ lệ cây trồng mới trên đảo sụt giảm tới 92%.

Đại nạn rắn hoành hành khiến đảo Guam bặt tiếng chim
Rắn cây nâu là thủ phạm làm rối loạn hệ sinh thái trên đảo Guam.

Chính phủ Mỹ chi hàng triệu USD nhằm xóa bỏ loài rắn gây hại này. Chúng không chỉ tàn sát động vật hoang dã mà gây thiệt hại 4,5 triệu USD cho hệ thống điện của quân đội trong 7 năm qua.

Bộ Nông nghiệp Mỹ thậm chí từng thả dù hàng nghìn xác chuột chết tẩm paracetamol xuống đảo trong chương trình tiêu diệt rắn cây nâu với chi phí 8 triệu USD vào năm 2013. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy có nhiều rắn cây nâu mắc bẫy, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của chương trình đối với số lượng rắn trên đảo.

 

Theo VnExpress