Đại Tây Dương sẽ bị ‘xâm lược’ khi Bắc cực hết băng

Đại Tây Dương sẽ bị 'xâm lược' khi Bắc cực hết băng

Khi Bắc Băng Dương ấm lên vào giữa thế kỷ này, các loài hải sản có vỏ, sên và nhiều động vật khác từ Thái Bình Dương sẽ nối lại cuộc xâm lăng Bắc Đại Tây Dương, từng bị gián đoạn hơn ba triệu năm trước.

Giáo sư địa chất Geerat Vermeij của Đại học California và Peter Roopnarine, chuyên gia thuộc Viện khoa học California xây dựng các mô hình khí hậu để dự đoán tình hình khí hậu tại các đại dương. Các mô hình cho thấy, tới năm 2050, Bắc Băng Dương sẽ không còn băng. Tình trạng này sẽ khôi phục lại các điều kiện thời tiết từng tồn tại trong giai đoạn giữa của kỷ Pliocene (cách đây khoảng 3 tới 3,5 triệu năm, khi nhiều động vật có vú hiện đại xuất hiện trên Trái Đất). Nhiều loài ở phía bắc Thái Bình Dương có họ hàng ở phía bắc Đại Tây Dương. Các chứng tích hóa thạch cho thấy rất nhiều loài đã di chuyển từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương vào thời kỳ đó.

Đại Tây Dương sẽ bị 'xâm lược' khi Bắc cực hết băng

Một buổi hoàng hôn trên Đại Tây Dương. Ảnh: flickr

Khi các điều kiện khí hậu lạnh quay trở lại, con đường đi qua Bắc Băng Dương bị cắt đứt, chủ yếu do thiếu thức ăn. Khi băng tan chảy, lượng thức ăn ở Bắc Băng Dương sẽ tăng lên và cuộc di cư vĩ đại của động vật thân mềm sẽ tiếp diễn trở lại sau khi bị gián đoạn hơn ba triệu năm.

Vermeij và Roopnarine xem xét những công trình khoa học về động vật thân mềm tìm thấy ở biển Bering và Chuckchi (nằm giữa Alaska và phía đông Siberia). Họ kết luận rằng ít nhất 77 dòng giống của động vật thân mềm, chiếm khoảng một phần ba số loài động vật có vỏ sống ở vùng nước nông tại biển Bering, đủ khả năng di cư tới Đại Tây Dương.

Theo Vermeij, có ba nhân tố khiến động vật có vỏ di chuyển một chiều qua Bắc Cực trong kỷ Pliocene. Thứ nhất, thức ăn ở biển Bering và Chukchi rất dồi dào. Thứ hai, có một dòng chảy về hướng bắc từ Thái Bình Dương qua eo biển Bering. Thứ ba, động vật thân mềm phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều động vật lớn hơn chúng ở biển Bering.

Tuy nhiên, những kẻ xâm lược không tiêu diệt những loài bản xứ, Vermeij khẳng định. Những hóa thạch cho thấy các cuộc xâm lăng hiếm khi dẫn tới sự tuyệt chủng nòi giống của một loài nào đó trong môi trường đại dương. Thay vào đó, chúng sẽ bổ sung nhiều loài mới và gia tăng sự cạnh tranh ở Bắc Đại Tây Dương.

Trong bản báo cáo, Vermeij và Roopnarine nhấn mạnh rằng trong quá khứ, các loài từng mở rộng phạm vi sống trong đại dương giữa những thời kỳ khí hậu ấm áp.

 

Theo Việt Linh – VnExpress (Physorg.com)