Tỉnh Đắk Lắk đã hướng các nông hộ, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh cà phê để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người sản xuất.
>>> Tây Nguyên lai tạo giống cà phê mới để phát triển bền vững
Nhu cầu nước tưới cho cây cà phê mùa khô là rất lớn khi 1ha cà phê cần lượng nước từ 1.600 đến 1.700m3. Trong khi vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng ngày càng xảy ra rõ nét làm cho nguồn nước mặt, nước ngầm suy giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, cứ đến mùa khô, tỉnh Đắk Lắk thường xuyên bị hạn hán làm cho hàng chục nghìn hécta cà phê bị khô hạn, làm chết cây hoặc giảm năng suất, có năm mất từ 30 đến 50% năng suất, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ.
Trước thực trạng này, tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch lại diện tích cà phê, hướng dẫn các nông hộ chuyển diện tích cà phê ở những vùng không chủ động nguồn nước, ở vùng đất dốc từ 15 độ trở lên sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thu hoạch cà phê. (Ảnh: baodaklak.vn)
Tỉnh cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp xác định được thời điểm tưới nước lần đầu tốt nhất và thực hiện theo đúng quy trình tưới nước tiết kiệm với lượng nước cần đủ cho cây cà phê từ 400 đến 600 lít nước/cây/1 lần tưới.
Đắk Lắk cũng khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp ứng dụng tốt hơn nữa kỹ thuật bón phân theo độ phì của đất để tiết kiệm chi phí bón phân từ 8 đến 10% (tương đương 700.000 đến 1 triệu đồng/ha), sử dụng các giống cà phê mới năng suất cao, chịu hạn đưa vào trồng và áp dụng kỹ thuật trồng âm, trồng cây đai rừng, che bóng, tủ gốc giữ ẩm, tạo hình, làm bồn ép tàn dư thực vật để cây cà phê chống chịu với khô hạn.
Đặc biệt, tỉnh Đắk Lắk đã nhân rộng các mô hình đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây hàng hóa lâu năm như bơ, sầu riêng, tiêu, mít… Ngay mùa mưa năm nay, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê đã trồng xen mới trên 1.000ha.
Thực tế, việc trồng cà phê xen các loại cây hàng hóa lâu năm tại các nông hộ ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk, Cư Kuin không những giúp người trồng tăng thêm thu nhập từ 20 đến 50% so với trồng thuần cà phê mà còn có tác dụng cải thiện điều kiện khí hậu trong vườn cây, nâng cao độ phì nhiêu của đất, hạn chế tình trạng xói mòn, rửa trôi, hàm lượng chất hữu cơ trong đất tăng thêm từ 24 đến 26%.
Cũng theo các nhà khoa học, việc đa dạng hóa cây trồng trong các vườn cà phê còn góp phần duy trì sự phát triển bền vững. Các loại cây trồng xen còn có tác dụng như cây che bóng, chắn gió nên đã hạn chế sự phát triển, lây lan các đối tượng sâu bệnh hại, giảm bớt áp lực nước tưới trong mùa khô đối với các vườn cà phê.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 200.000ha càphê, trong đó có trên 195.000ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch sản phẩm với sản lượng mỗi năm đạt từ 430.000 tấn cà phê nhân trở lên. Tuy nhiên, diện tích càphê có trồng cây che bóng, cây trồng xen trên địa bàn tỉnh còn rất thấp, chỉ mới có 32% diện tích cà phê.
Theo TTXVN/Vietnam+