Đám đông đi bước đều có thể làm sập cầu

Đám đông đi bước đều có thể làm sập cầu

Ngoài việc thiết kế kém, chất lượng thi công xây dựng tồi, tác động của thiên tai,… các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một yếu tố nữa có thể gây sập cầu: đám đông đi bước đều.

Tháng 4/1983, một lữ đoàn lính diễu hành bước đều qua cầu treo Broughton của Anh. Theo các ghi chép vào thời điểm đó, cây cầu đã bị đổ gãy dưới chân các binh sĩ, ném hàng chục người xuống nước.

Sau khi điều này xảy ra, quân đội Anh đã ban hành quy định mới: binh lính khi đi qua một cây cầu dài không được đi bước đều hoặc diễu hành nhịp nhàng, để đề phòng sự cố tái diễn.

Đám đông đi bước đều có thể làm sập cầu
Người đi bộ được khuyến cáo không nên đi bước đều thành nhóm đông qua cầu để đề phòng nguy cơ khiến cầu gãy sập. (Ảnh minh họa: Word Press)

Các cấu trúc như những cây cầu và tòa nhà, mặc dù trông có vẻ vững chắc và không xê dịch, nhưng lại sở hữu một tần số rung động tự nhiên bên trong chúng. Một lực tác động vào một vật thể với tần số ngang bằng tần số rung động tự nhiên của vật thể, sẽ khuếch đại rung động của vật thể – hiện tượng được gọi là “cộng hưởng cơ học”.

Đôi khi, chiếc xe hơi của bạn rung lắc dữ dội khi bạn nhấn ga tới một tốc độ nhất định, và một cô gái đang ngồi xích đu có thể di chuyển đến vị trí cao hơn chỉ với chút ít sức lực bằng cách đung đưa chân của mình. Theo các chuyên gia, nguyên tắc cộng hưởng cơ học dẫn đến các hiện tượng này cũng “phát tác” khi đám đông người đi bộ bước đều qua một cây cầu.

Nếu các binh sĩ diễu hành đồng loạt qua cầu, họ đã tạo ra một lực ở tần số của bước đi. Nếu tần số bước đều của họ gần khớp với tần số rung động tự nhiên của cây cầu và việc cộng hưởng cơ học đủ lớn, cây cầu có thể rung lắc cho tới khi bị gãy sập vì cử động đó.

Một sự cố gợi nhắc hiện tượng này gần đây là vào tháng 6/2000, khi cầu Thiên niên kỷ ở London (Anh) được tổ chức khánh thành ầm ĩ. Một đám đông đổ dồn lên cây cầu, và bước chân của họ khiến cây cầu rung chuyển nhẹ. “Nhiều người đi bộ ngẫu nhiên có các bước chân tương ứng với những rung động (tự nhiên) của cây cầu, nên vô tình đã khuếch đại chúng”, trích một báo cáo khoa học đăng tải năm 2005 trên tạp chí Nature.

Mặc dù các kỹ sư nhấn mạnh cầu Thiên niên kỷ không bao giờ có nguy cơ sụp đổ, nhưng nhà chức trách đã cho “đóng cửa” cây cầu trong khoảng 1 năm để các đội xây dựng lắp đặt những thiết bị giảm xóc, chống rung nhằm giảm thiểu rung động do người đi bộ gây ra.

 

Theo Vietnamnet, Live Science