Đàn em của tàu con thoi

Đàn em của tàu con thoi

Với việc đội ngũ tàu con thoi “nghỉ hưu”, việc tìm phương tiện vận chuyển không gian khác để thay thế là rất cần thiết. Vì vậy, Cơ quan Hàng không – Không gian Mỹ (NASA) đã ký hợp đồng trị giá 80 triệu USD với hãng Sierra Nevada (SNC) để thiết kế loại tàu vận chuyển vũ trụ mới.

>>>NASA chia tay tàu con thoi Endeavor

Hãng SNC đã nỗ lực thiết kế loại tàu không gian có thể tái sử dụng với tên gọi Dream Chaser và sẽ thử nghiệm độ cao vào năm 2012. Nếu thành công thì nó sẽ trở thành dòng phi thuyền vận chuyển phi hành gia, hàng hóa lên trạm không gian quốc tế và đến các quỹ đạo thấp khác của trái đất. Điều đáng chú ý là chi phí cho Dream Chaser không quá đắt đỏ.

Đàn em của tàu con thoi
Mô hình tàu không gian Dream Chaser – (Ảnh: SNC)

Dream Chaser cất cánh theo chiều thẳng đứng và hạ cánh theo phương ngang. Nó được thiết kế để chở tối đa 7 phi hành gia nhưng cũng có thể hoạt động độc lập theo kiểu thiết bị không người lái khi chở hàng. Người Mỹ đặt kỳ vọng vào Dream Chaser để không phụ thuộc vào tàu Soyuz của Nga, bởi phải bỏ ra đến 50 triệu USD để vận chuyển một phi hành gia lên trạm không gian ISS bằng Soyuz. Loại tàu không gian thế hệ mới này có thể tách khoang hàng hóa cho trạm ISS rồi trở về, hạ cánh trên một đường băng thông thường. Nó không chứa các chất độc hại như tàu con thoi đàn anh nên người ta có thể tiếp cận ngay sau khi nó hạ cánh.

Thiết kế Dream Chaser dựa trên cơ sở loại taxi không gian HL-20 của NASA, từng được phát triển bởi Trung tâm nghiên cứu Langley tại Hampton, Virginia những năm 1980-1990. Nguồn cảm hứng cho việc sáng chế HL-20 đến từ hình ảnh của một con tàu vũ trụ bí ẩn được thu hồi ở Đại Tây Dương vào năm 1982, mà sau này mới được tiết lộ là loại SOVIET Bor-4 của Liên Xô. Điểm nổi bật trong thiết kế con tàu vũ trụ này là việc xuất phát và trở về không quá lệ thuộc vào cánh máy bay mà chủ yếu là lợi dụng luồng không khí tác động lên thân tàu.

Dream Chaser được thiết kế để phóng lên không gian từ một tên lửa đẩy. Việc kiểm tra bay không người lái sẽ được thực hiện với Virgin Galactic’s WhiteKnightTwo mà ban đầu được xây dựng nhằm phục vụ cho tàu vũ trụ SpaceShipTwo. Nếu những thử nghiệm thành công vào năm tới và quá trình sản xuất đúng tiến độ thì Dream Chaser sẽ được chính thức đưa lên quỹ đạo vào năm 2014. Nó sẽ được phóng bởi tên lửa đẩy Atlas V của hãng United Launch Alliance, sau khi vào không gian thì Dream Chaser sẽ tách khỏi tên lửa, sử dụng động cơ hybrid để điều chỉnh quỹ đạo và kết nối vào ISS.

Trạm không gian quốc tế ISS không phải là đích đến cuối cùng của Dream Chaser, hãng SNC còn có tham vọng lớn hơn là làm đối tác với tỉ phú Richard Branson để kinh doanh trong lĩnh vực du lịch vũ trụ. Thế mạnh về kinh tế của Dream Chaser là nó có thể tái sử dụng từ 50-100 lần.

 

Theo Thanh Niên