Đàn ông Việt có nhiều tính xấu

Tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp trong bàn tiệc cộng đồng, các quý ông cao hứng thay nhau kể chuyện tiếu lâm thô rồi cười ha hả. Các quý bà thì sao? Tôi hay tò mò quan sát những trường hợp như thế. Tôi thấy phản ứng của chị em khác nhau lắm. Có người giả không để ý, giả cắm cúi ngồi ăn hay nói chuyện riêng với nhau. Thế nhưng, bàn tiệc nói cười ồn ào như thế, ai nấy cười vui sung sướng giả lả với một đề tài chung như thế, khó có khả năng họ không để ý.

Phần nhiều là do họ không thích. Có người thì cười theo miễn cưỡng, cười cho có theo phong trào. Hình như họ… chưa quen. Một tỷ lệ tương đối lớn các chị em, có lẽ đã có kinh nghiệm, chỉ cười xã giao. Dường như họ đã quá quen và trong cái môi trường này, họ buộc phải chấp nhận. Họ chấp nhận cái cách cánh liền ông chúng tôi kể chuyện tiếu lâm trước mặt họ, cũng giống như họ chấp nhận cái cách chúng ta… phì phèo thuốc lá trước mặt họ vậy. Tôi nghĩ họ không thay đổi được đàn ông Việt Nam chúng ta nên họ đành chấp nhận. Chẳng phải vì họ thích, mà vì họ không có lựa chọn khác.


Trên các bàn tiệc, đàn ông Việt Nam thường hào hứng với những câu chuyện tiếu lâm (ảnh minh họa)

Đương nhiên cũng có một bộ phận các chị em hòa mình nhiệt tình theo không khí chung. Họ nghe các quý ông kể chuyện tiếu lâm, cười ngặt nghẽo, giấu mặt sau lưng nhau, đấm lưng nhau thùm thụp… Vâng, cũng có lẽ họ thích thật. Nhưng tôi để ý thường những trường hợp ấy phần nhiều có sự bất bình đẳng về địa vị xã hội. Đại bộ phận các quý ông kể chuyện là cấp trên, là lãnh đạo của họ. Tôi không biết rơi vào môi trường giao tiếp khác, gạt quan hệ nhân viên – thủ trưởng sang một bên, những chị em ấy có hòa mình nhiệt tình theo không khí chung như thế nữa không?

Tôi cũng có khả năng kể chuyện tiếu lâm thô, nhưng nếu tôi không chắc chắn 100% người nói chuyện khác giới cũng sẽ thích và hưởng ứng những câu chuyện như thế thì tôi sẽ không bao giờ làm thế.

Tôi chứng kiến một lần, một chị trong bàn trà môi trường công sở, khi đồng nghiệp kể chuyện tiếu lâm thô, chị đứng dậy xin lỗi rằng chị không quen những đề tài nói chuyện như thế. Rồi chị bỏ đi, để lại một đám đàn ông còn lại nhìn nhau gượng gạo, trừ tôi. Tôi nhìn theo chị với ánh mắt… thán phục. Những lời miễn cưỡng chê bôi chị ấy “kênh kiệu” của đám đàn ông ngồi lại ấy, tôi thực sự bỏ ngoài tai. So sánh với chị ấy, tôi cảm thấy họ hơi… hạ đẳng.


Rất nhiều phụ nữ không chấp nhận nhưng cũng đành ngồi nghe theo

Vấn đề tôi đặt ra ở đây là… đàn ông chúng ta có nên làm thế không? Thiếu gì những cách tiêu khiển, giải trí, gia tăng không khí trên bàn tiệc, hà tất cứ phải kể chuyện tiếu lâm thô tục?

Đồng ý rằng tình dục là nhu cầu và sở thích cả hai giới nam nữ. Tuy nhiên, cách tiếp cận tình dục của hai giới nam nữ khác nhau. Cái kiểu đàn ông chúng ta thích, không chắc phụ nữ đã thích. Hà tất phải gượng ép người khác miễn cưỡng? Còn với những quý bà thực sự thích, tôi nghĩ thật không khó để… dò và bắt đài của họ. Và đương nhiên chúng ta không thiếu môi trường phù hợp khác để các quý ông chiều chuộng các quý bà với những sở thích đó mà không ảnh hưởng tới các quý bà khác trong môi trường giao tiếp chung.

Ở các nước phương Tây, đời sống, dân trí, văn hóa phát triển cao hơn, những hành động lời nói tục trước mặt phụ nữ như thế có thể bị quy ghép vào tội quấy rối tình dục, một tội danh cùng từ vựng thuật ngữ luật với tội danh hiếp dâm. Tôi thấy họ đúng, đáng học, và chúng ta cần học họ.

Tôi lại nghĩ, đại bộ phận đàn ông chúng ta hiện nay rất ít người thiếu thốn tình dục tới mức phải thèm khát và có những biểu hiện bệnh hoạn. Tôi xài từ vựng “bệnh hoạn” quả có hơi quá lời, nhưng cá nhân tôi nhận xét thì việc kể chuyện tiếu lâm phô, việc bình luận tình dục trước mặt phụ nữ khi họ không thích quả ít nhiều có tính chất “bệnh” như thế. Một góc nhìn khác là… dù một xã hội có phát triển tới đâu cũng luôn có một số người bệnh hoạn tình dục, nhưng ở các xã hội phát triển… hoặc là họ bị cách ly… hoặc là họ bị coi là có bệnh và phải đi chữa bệnh. Còn chúng ta? Ơ… chúng ta đâu phải những người bệnh như thế? Đàn ông chúng ta riêng với nhau, chém gió vi vút, chuyện đó là đương nhiên và chả có vấn đề gì ghê gớm. Nhưng còn chị em nữa? Họ sẽ nghĩ gì khi nghe những câu chuyện như thế? Hoặc giả họ có cảm thấy họ được tôn trọng hay không?

Có thể một số bạn cho rằng đó là nhu cầu thể hiện cá nhân nơi công cộng của con người. Vâng, tôi đồng ý rằng nhu cầu tự thể hiện và được thể hiện là một nhu cầu chính đáng. Nhưng phải thành thật mà nói, trong 100 truyện tiếu lâm thô tục các quý ông kể trên bàn tiệc mà tôi trước giờ tham gia, tỷ lệ ít cũng phải 99 truyện tôi đã từng nghe nhiều lần. Nhiều truyện tôi đã nghe đi nghe lại, nghe hoài phát chán. Có những truyện tôi nghe chắc cả trăm lần, và hẳn người kể chắc cũng đã từng kể… từng ấy lần như thế. Phải xin lỗi để nói một câu là cảm giác của tôi với những người kể chuyện làm vui ấy giống hệt như những… chú bò nhai lại.


Ở các nước phương Tây phụ nữ được tôn trọng tuyệt đối

Trong những trường hợp như vậy, tôi thường cười, hoàn toàn là cười theo xã giao, cười tôn trọng người nói chuyện. Và đôi lúc uống rượu say, tôi lại hay… nhảy ngay vô họng họ, kể nốt luôn ngay khúc cuối, cắt luôn cái cảm hứng kể chuyện của họ. Tôi tự thấy mình thiếu tính xã giao và đương nhiên biết người kể chuyện không vui khi tôi làm thế. Nhưng tôi tin một điểm là việc này chả liên quan tới nhu cầu thể hiện cá nhân chút nào. Tôi cũng tin rằng những người có sở thích hoặc thói quen kể chuyện tiếu lâm tục nơi công cộng trước mặt phụ nữ đó, 99,9% chưa từng và không đủ trình độ để viết được ra một câu chuyện tiếu lâm hoàn chỉnh. Vậy thì cái sự tự thể hiện ấy nó nằm… ở điểm nào?

Một điểm đáng suy nghĩ là một tỷ lệ khá lớn những quý ông có sở thích hơi mang tính bệnh hoạn này ở Việt Nam chúng ta lại là những quý ông… ở ngoài xã hội… có vai vế, có địa vị, có danh vọng. Chúng ta có thể gặp họ ở bất cứ đâu, trong bất cứ môi trường nào. Trong môi giao tiếp công sở, môi trường bạn bè xã hội và môi trường học hành tu nghiệp của người trưởng thành… chúng ta đều có thể gặp những người như thế. Tôi nhìn nhận đó là cái tính cách thiếu tôn trọng phụ nữ tồn tại từ một thời trọng nam khinh nữ lạc hậu man di của dân tộc chúng ta. Thế giới đã mở rồi, đã phẳng rồi. Biên giới văn hóa nhạt nhòa rồi. Và chúng ta nên chăng chủ động bỏ những cái dở, cái lạc hậu của chúng ta, học những cái hay hơn, văn minh hơn của người xứ khác?

Nói thay lời kết, ở các nước phương Tây, văn hóa họ phát triển hơn mình, xứ họ mở và thoáng về tình dục hơn xứ mình nhiều lắm. Và từ những hành vi văn hóa giao tiếp công cộng, phụ nữ xứ họ thực sự được trân trọng, nâng niu. Đàn ông xứ họ đích thực là quý ông, là những “gentlements”. Vâng, quý ông không phải ở bộ quần áo họ mặc, đồ ăn thức uống họ sử dụng, chiếc xe họ đi. Quý ông theo nghĩa cơ bản nhất chính là họ… thực sự tôn trọng phụ nữ, những quý bà mà họ hằng yêu mến.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.