Dân phải hít thở khí độc!

Chúng tôi đến khu vực Nhà máy chế biến đầu vỏ tôm Hưng Nguyên (ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, Cà Mau). Mùi hôi không chịu nổi, chỉ ngồi vài phút tại nhà ông Nguyễn Văn Sáu mà mũi chúng tôi cay xè.

Ông Sáu bức xúc: “Bốn năm rồi cứ phải hít thở khói độc. Cả nhà tôi giờ ai nấy đều mắc chứng viêm mũi hết ráo. Tôi sợ quá, phải di tản hai đứa cháu nội về bên Phú Tân sống tạm nhà bà ngoại nó”.

Ông Phạm Văn Đạt than thở tôm chết, lỗ nặng
(Ảnh: TTO)

Ông Sáu dẫn chúng tôi đi dài dài theo xóm Ông Do. Đến đâu cũng nghe bà con than thở, bực bội chuyện khói, bụi. Ông Hà Anh Dũng nghe nhắc đến chuyện Nhà máy Hưng Nguyên đã lắc đầu: “Tôi bỏ cơm hoài, ngửi cái mùi đã muốn nôn ra rồi còn ăn uống gì vô. Khó chịu vô cùng. Thêm ba con ruồi, nhặng như trấu vãi…”.

Chuyện khói bụi từ axit do nhà máy chế biến vỏ tôm đã thật sự trở thành nỗi ám ảnh đối với bà con nơi đây. Trong vùng bán kính “phủ sóng” hơn 1km của khói từ nhà máy phát ra, đã có hàng trăm người mắc bệnh viêm mũi, hàng chục gia đình có trẻ con phải di tản đi nơi khác vì lo sợ chúng bị ung thư.

Dân cư hai xã Hàm Rồng và Đất Mới, huyện Năm Căn sống chủ yếu bằng nuôi tôm, nhưng theo người dân thì từ ngày nhà máy hoạt động bà con bị thất mùa liên tục. Ông Phạm Văn Đạt kể: “Sau khi nhà máy hoạt động hơn một tháng, tôm nuôi của tôi bắt đầu chết, lỗ tiền tôm giống mãi. Nói thiệt đến nay tôi đã nợ ngân hàng 200 triệu đồng rồi. Tôi nghe nói mấy ông ngân hàng đã chuyển hồ sơ nợ của tôi qua tòa án huyện. Có lẽ nay mai tôi phải hầu tòa”.

Ông Hà Anh Dũng, chú Huỳnh Văn Giữ, Châu Văn Sơn, Phạm Văn Sáu, Trương Văn Hổ… đều có chung cảnh ngộ: tôm thất trắng kể từ bốn năm qua, từ khi nhà máy hoạt động. Bà con đã kêu bán đất với giá chỉ 1,5 lượng vàng/công, trước đây là 3 lượng vàng/công để đi nơi khác làm ăn.

Không chỉ tôm chết mà nay lại đến cua, cá cũng chết. Kinh hoàng quá, bà con hè nhau đi kiện. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Đạt cho biết sau hai lần gửi đơn thư khiếu nại lên huyện mà không được phúc đáp, ông lên luôn trên tỉnh báo cáo tình hình, nhưng vẫn chẳng ăn thua.

Ông Trần Quốc Việt – người quản lí trực tiếp nhà máy đầu vỏ tôm Hưng Nguyên – đưa chúng tôi vào tham quan cơ ngơi. Nguyên liệu đầu vỏ tôm chất thành đống cao ngút. Không khí trong khu xử lý nguyên liệu như đặc lại bởi khói axít và mùi nồng nặc của đầu vỏ tôm ủ cho dòi ăn hết thịt lâu ngày.

Ấn tượng nhất có lẽ là các bồn chứa axit clohydric (HCl). Có đến bảy, tám cái, cao 3 – 4m, đường kính hơn 1m. Ông Trần Quốc Việt cho biết có tất cả 16 hồ xử lý hóa chất đầu vỏ tôm. Mỗi hồ có thể tích khoảng 2,6m3, hoạt động liên tục. Mỗi hồ có một lỗ xả nước thải, được nối với ống xả chung – đường kính 20cm – xả thẳng ra sông cái.

Theo qui trình kỹ thuật mà ông Việt trình bày, mỗi đơn vị đầu vỏ tôm, để xử lý sạch, cần ít nhất hai đơn vị nước hóa chất (mỗi ngày nhà máy có lượng nước thải độc hại ít nhất là 300m3). Như vậy, bốn năm qua, dòng sông huyết mạch để người dân lấy nước nuôi tôm nơi đây đã phải “uống” hàng trăm ngàn mét khối nước thải chứa axit độc hại.

Ông Việt cho biết đã đầu tư 600 triệu đồng để xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, với công suất 300m3/ngày đêm, dự định sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng cuối tháng 6-2006. Tuy nhiên, ông thừa nhận đến nay vẫn chưa có cách xử lý phần khói do chất axit tác động vào nguyên liệu đầu vỏ tôm trong quá trình xử lý hóa chất gây ra.

Như vậy, ngay cả khi Hưng Nguyên đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở hai xã Hàm Rồng, Đất Mới, huyện Năm Căn vẫn phải tiếp tục hít thở khí axit với nồng độ đậm đặc hơn.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường Cà Mau, hiện nay các nhà máy đầu vỏ tôm thả xuống các dòng sông ở Cà Mau ít nhất là 500m3 nước thải/ngày đêm. Kỹ sư Ngô Chí Hưng cho biết hai hóa chất lẫn đậm đặc trong nguồn nước thải ấy là HCl và Naoh – độc hại vô cùng.

NHƯ Ý – Ý NHI

 

Theo Tuổi trẻ