Năng lượng sinh ra từ sân chơi có thể được sử dụng để thắp sáng các lớp học ở châu Phi nhờ sáng chế của nhà phát minh trẻ người Anh Daniel Sheridan.
Trò chơi bập bênh của trẻ em châu Phi |
Daniel thiết kế tấm ván bập bênh trông rất đơn giản, có thể phát ra điện đủ để chiếu sáng một lớp học trong nhiều giờ. Năng lượng được sinh ra khi có trẻ đung đưa cái bập bênh lên xuống. Nguồn năng lượng này sẽ được truyền đến bộ phận tích lũy điện và trữ ở đó cho tới khi cần đến. Ấn tượng trước ý tưởng của cậu sinh viên ngành thiết kế, Đại học Conventry và một số doanh nghiệp đã tài trợ 5.500 bảng để Daniel hiện thực hóa sáng chế của mình.
Cảm hứng đến với Daniel trong lúc anh tham gia chương trình tình nguyện đến một trường học trên đảo Wasimi của Kenya vào mùa hè năm ngoái. Tại đây, anh giúp xây lớp học và tham gia giảng dạy các em nhỏ. “Phần lớn trẻ em ở đó thích chơi trò bập bênh. Năng lượng và sự chuyển động lên xuống của bập bênh khiến tôi bật ra suy nghĩ sẽ rất tuyệt vời nếu mình có thể tận dụng nguồn năng lượng này”, Daniel kể. Khi trở về Anh, Daniel bắt tay thực hiện một số nghiên cứu tạo ra điện thông qua trò chơi của trẻ em với sự trợ giúp của các chuyên gia và cuối cùng nảy ra ý tưởng thiết kế bập bênh.
Thiết kế bập bênh của Daniel |
Daniel được biết hiện tại nhiều trường học ở châu Phi mở lớp bổ túc ban đêm cho người lớn tuổi, nhưng chủ yếu thắp sáng bằng nến và đèn dầu. “Tiềm năng của sản phẩm này rất lớn và có thể làm lợi cho nhiều cộng đồng ở châu Phi và những châu lục khác”, Daniel nói. Theo tính toán của anh sinh viên 23 tuổi này, chỉ cần chơi bập bênh trong vòng 5-10 phút có thể phát ra điện đủ thắp sáng một lớp học buổi tối. Do năng lượng từ bập bênh có thể lưu trữ được nên người sử dụng có thể quyết định cách thức sử dụng điện theo ý mình.
Hiện nay, Daniel đang có mặt ở một ngôi làng gần thành phố Jinja của Uganda để thử nghiệm và hoàn tất sản phẩm đầu tiên. Anh mơ ước tạo ra sân chơi với nhiều kiểu bập bênh có thể tạo ra đủ điện để chiếu sáng cả một ngôi làng.
Theo H.A (BBC, Báo Cần Thơ)