Đập nhỏ đe dọa tới các loài cá trên sông Mekong

Theo nghiên cứu mới nhất do các nhà khoa học Mỹ công bố, những kế hoạch xây các đập thủy điện dọc theo các nhánh nhỏ của sông Mekong có thể gây ra những tác hại không thể lường hết với hàng triệu người sống dựa vào nguồn cá ở con sông dài nhất Đông Nam Á.

Những dự án xây 11 đập nước lớn dọc theo các nhánh của con sông Mekong dài 4.600km chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam hiện đang rất được giới khoa học quốc tế quan tâm.

Vào tháng 12, các bộ trưởng của Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Lào đã hoãn quyết định về đập đầu tiên, đập Xayaburi trị giá 3,8 tỉ USD ở Lào, do các quan ngại về môi trường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu quốc tế mới được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, khảo sát những ảnh hưởng đối với việc xây đập trên rất nhiều chi lưu của sông Mekong, đã cảnh báo về một tương lai “thảm họa”.


Một số dự án đập có thể ngăn hơn 100 loài cá bơi ngược dòng

“Chúng tôi phát hiện ra đã có 78 đập sắp được hoàn thành ở các chi lưu của sông Mekong trước kia chưa được đưa vào phân tích, điều này sẽ ảnh hưởng thảm họa tới sản xuất ngư nghiệp và đa dạng sinh học”, nghiên cứu viết.

Do vùng này là khu vực của nhiều loài cá di trú, nghiên cứu phát hiện ra rằng một số dự án đập có thể ngăn hơn 100 loài cá bơi ngược dòng, gây ra những tổn thất lớn về đa dạng sinh học và nguồn cá trên sông.

Hàng chục triệu người sống ở các vùng nông thôn nghèo khó dọc theo sông Mekong phụ thuộc nhiều vào cá làm nguồn cung cấp protein chính, theo lời các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu và phát triển ngư nghiệp nước ngọt tại Campuchia, cũng như Đại học Stanford và Princeton.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng đã có sự đánh đổi lớn giữa tạo ra năng lượng và ảnh hưởng lên chuỗi lương thực cũng như sự đa dạng sinh học”, người đứng đầu nghiên cứu, Guy Ziv của Đại học Stanford nói với AFP.

Ziv cho biết các nhà khoa học đã tập trung vào 27 trong số 78 dự án đập thủy điện ở các chi lưu của sông Mekong, vì 27 dự án được lên kế hoạch xây trong giai đoạn 2015-2030.

Ngoài ra, các đập này cũng cần thỏa thuận quốc tế mới có thể xây, dù chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến các loài cá ở những nước không có đập.

“Ảnh hưởng nói chung của các đập này còn lớn hơn một số đập ở đoạn chính của sông đã gây sự chú ý của quốc tế trong thời gian vừa qua”, Ziv nói.

“Nước được lời nhất có thể là Lào, sản xuất ra năng lượng để xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam, trong khi ảnh hưởng xấu sẽ xảy ra với Campuchia và một phần là Việt Nam khi mất một lượng lớn nguồn cá”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mỗi năm, chỉ riêng ngư dân ở Campuchia và Việt Nam bắt hơn một triệu tấn cá nước ngọt từ sông Mekong và toàn bộ vùng lưu vực sông là nơi sinh sống của khoảng 65 triệu dân, hai phần ba trong số đó dựa nhiều vào ngư nghiệp.

Tổng cộng, các nhà nghiên cứu xác minh được 877 loài cá ở lưu vực sông Mekong, 103 loài trong số đó có thể bị đe dọa nếu không thể di cư do việc xây các đập thủy điện. Đặc biệt, có bốn đập có thể gây tổn thất nặng nề với nguồn cá, bao gồm đập Se San 2 ở Campuchia, có thể khiến nguồn cá trên sông giảm tới 9,3%. Tiếp theo là các đập ở Lào, Se Kong 3d (2,3%), Se Kong 3u (0,9%) và Se Kong 4 (0,75%).

Mặc dù con số có vẻ nhỏ, Ziv nói ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng hơn khi các loài khác dựa vào những loài cá này trong chuỗi thức ăn và 1% cá mất đi tương đương với 10.000 tấn thực phẩm.

 

Theo Vietnam+