Đừng nghĩ rằng khi ngủ là cơ thể con người sẽ “vô dụng” và không làm được gì đáng kể nhé.
Có bao giờ bạn nghe về câu chuyện rằng: Đặt một cuốn sách dưới gối của mình và đi ngủ, để rồi sáng hôm sau dậy bạn sẽ nhớ được nội dung truyền tải trong đó hay không? Tất nhiên đó chỉ là một mẩu chuyện đùa mà thôi, nhưng ít nhất khoa học đã chứng minh một phần trong đó hoàn toàn liên quan đến thực tế. Chúng ta có thể đi ngủ mà vẫn tiếp tục học hỏi và tăng cường nhận thức về một khía cạnh nào đó. Và lời giải thích cho hầu hết những cơ sở này đó chính là âm thanh.
Nếu tò mò, hãy cùng điểm qua khả năng học hỏi của não bộ con người trong lúc ngủ nhé:
1. Học ngoại ngữ
Trong một điều tra gần đây, các nhà khoa học đã yêu cầu một số người nói tiếng Đức mẹ đẻ lần lượt học tiếng Hà Lan, khởi đầu với vốn từ vựng cơ bản. Sau đó họ được yêu cầu đi ngủ.
Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Trong lúc họ nghỉ ngơi, các nhà khoa học cho chạy một đoạn âm thanh ghi lại cách đọc những từ vựng đó cho một nhóm trong số những người tham gia, phần còn lại thì không. Sau một thời gian kiểm tra lại, kết quả ở nhóm được tiếp xúc với âm thanh tỏ ra khả quan hơn hẳn trong những tác vụ ghi nhớ và nhận dạng từ ngữ. Để đảm bảo hiện tượng này bắt nguồn và gắn liền với cơ chế của giấc ngủ là chính yếu, chứ không phải chỉ cần nghe cách đọc của những từ ngữ đó, họ tiếp tục làm thêm một bước thử nữa khi cho một nhóm khác nghe nhưng là trong khi thức hoặc đi dạo. Cuối cùng, không có bất kỳ tiến triển nào được ghi lại hơn so với thông thường cả.
2. Kỹ năng chơi nhạc
Trong một thống kê khác, các nhà nghiên cứu tiến hành dạy một nhóm người chơi guitar dựa trên phương pháp tương tự như trò chơi Guitar Hero. Sau đó, mọi người tham gia lại tiếp tục được yêu cầu đi ngủ. Lần tỉnh dậy tiếp theo, họ được giao nhiệm vụ chơi lại đoạn nhạc đó.Được biết, biện pháp thử nghiệm họ áp dụng cũng tương tự như trường hợp học từ mới ngoại ngữ trên, và kết quả cũng vậy. Nhóm được cho nghe đoạn nhạc mẫu trong khi ngủ có thể chơi tốt hơn nhiều so với nhóm còn lại, dù đó chỉ là những tác động vô thức mà họ không hề tự nhận thức được trong lúc ngủ.
3. Ghi nhớ nơi để đồ vật
Một nghiên cứu vào năm 2013 đã nhờ đến 60 người trưởng thành khỏe mạnh sử dụng một chương trình máy tính để sắp xếp các đồ vật ảo trên màn hình theo vị trí nhất định. Khi họ hoàn thành xong một tác vụ lựa chọn vị trí cho một đồ vật, một âm thanh sẽ được bật lên kèm theo. Sau khi xong xuôi, toàn bộ thành viên tham gia được đi ngủ trong 1,5 tiếng, chia làm 2 lần. Lần đầu, không có gì xảy ra và tác động. Lần 2 là khi các nhà khoa học bật lại những âm thanh vang lên như khi họ sắp xếp các đồ vật trên máy tính.Không có gì ngạc nhiên, tất cả những người tham gia đều cảm thấy nhớ tốt hơn sau khi tỉnh dậy vào lần thứ 2 thay vì có vẻ mông lung và mập mờ sau giấc ngủ thứ nhất.
4. Bảo toàn và duy trì ký ức quan trọng
Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng não bộ của chúng ta có một hệ thống ghi nhớ đặc biệt giúp phân loại thứ hạng các dữ liệu và ký ức dựa theo mức độ quan trọng của chúng. Những thông tin quý giá và đáng nhớ sẽ được gửi đến “bộ nhớ dài hạn”, trong khi số còn lại sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi hàng tá những dữ liệu tiếp nhận sau đó.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng có thể tồn tại một cách kiểm soát và can thiệp vào cơ chế đó, tận dụng để ghi nhớ nhiều hơn thông thường.
Trong một lần điều tra và thu thập tư liệu, họ phát hiện ra rằng mọi người có xu hướng ghi nhớ lâu dài hơn bình thường nếu họ gắn ký ức đó với một âm thanh nghe được cùng lúc, kể cả khi đó là ký ức không quan trọng và dễ nhớ như bạn tưởng.
Những thử nghiệm tương tự như trường hợp ghi nhớ vị trí đồ vật cũng là lời giải thích xác đáng cho nhận định này. Những người biết cách khai thác cơ chế đó sẽ có khả năng ghi nhớ cao hơn. Có vẻ như âm thanh đóng vai trò quả thực to lớn đối với não bộ con người.
Vậy điều gì là tốt nhất và tối ưu cho chất lượng não bộ của chúng ta trong lúc ngủ?
Mật độ xử lý hoạt động não bộ của con người được làm chậm lại vào khoảng thời gian ban đêm, cụ thể là liên quan mật thiết đến những giai đoạn ngủ “sóng não chậm”, với thời lượng kéo dài tùy theo cơ thể mỗi người. Dù vậy, các nhà khoa học cho rằng chính thời điểm này là lúc những ký ức ngắn hạn được chuyển đổi thành ký ức dài hạn ở thùy não trước.
Họ cũng kết luận rằng, dựa vào những số liệu thu thập được từ những nghiên cứu trước đó, bao gồm cả khi học ngoại ngữ hay chơi nhạc và ghi nhớ đồ vật, âm thanh là yếu tố thực sự quan trọng giúp kéo dài giai đoạn ngủ “sóng não chậm” để giúp ghi nhớ lâu dài hơn.