Ngành chế tạo của Mỹ, đặc biệt là công nghiệp năng lượng xanh, luôn cần đến các loại đất hiếm, nhưng họ lại đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, ít nhất là 5 năm tới.
>>> Có đất hiếm vẫn khó giàu
>>> Nhật Bản lập kế hoạch tái chế 13 kim loại đất hiếm
Ngày 15/12, Bộ Năng lượng Mỹ công bố một bản báo cáo cảnh báo rằng, Mỹ quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp đất hiếm của Trung Quốc, làm cho nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn bởi loại khoáng sản này.
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc.
Bản báo cáo dự kiến, Mỹ có thể mất 15 năm mới có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc và kêu gọi Mỹ tăng cường nghiên cứu nguồn thay thế và mở rộng phát triển đường ống.
Đất hiếm liên quan đến rất nhiều công nghệ năng lượng xanh, từ bóng đèn tiết kiệm năng lượng cho đến sản xuất xe điện, tuabin gió lớn, đều cần sử dụng đất hiếm.
Báo cáo cho biết, 15 năm tới, ít nhất là việc cung ứng 5 loại đất hiếm vẫn dễ bị gây cản trở, bao gồm: dysprosium (Dy), terbium (Tb), neodymi, europi và yttri. Lượng cung cấp 5 loại đất hiếm này ước tính 96-99,8% là nằm trong tay Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, Dy đã trở thành loại đất hiếm quan trọng nhất và dễ vấp phải cản trở nhất về nguồn cung trong ngành công nghiệp năng lượng xanh.
Cố vấn khai thác đất hiếm nổi tiếng của Australia, Kingsnorth cũng cho rằng, Dy có thể thiếu hụt, dự kiến sẽ làm cho ít nhất 5 năm tới, quá trình ứng dụng công nghệ đất hiếm mới của ngành công nghiệp năng lượng xanh bị chậm đi.
Song song với việc tìm cơ hội khai thác đất hiếm từ nước ngoài như Việt Nam, Nhật Bản lập kế hoạch tái chế 13 kim loại đất hiếm để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao sẽ được tái chế từ các thiết bị điện tử như điện thoại di động và các máy trò chơi điện tử.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ quy định bắt buộc tái chế kim loại đất hiếm từ các sản phẩm điện tử cỡ nhỏ. Khoảng từ 10-20 loại thiết bị điện tử có thể sẽ được đưa vào trong danh sách các sản phẩm phải tái chế, gồm máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, đầu DVD và lò vi sóng.
Nhật Bản đã ban hành các văn bản pháp luật về việc bắt buộc tái chế các sản phẩm gia dụng cỡ lớn như điều hòa, tủ lạnh, tivi và ôtô. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có các quy định bắt buộc tái chế điện thoại di động và một số thiết bị điện tử khác có chứa một khối lượng tương đối lớn kim loại đất hiếm.
Trong những năm gần đây, nhu cầu kim loại đất hiếm trên thế giới đang tăng nhanh do doanh số bán các ôtô điện và các sản phẩm điện tử thân thiện với môi trường khác đang tăng. Đến năm 2020, nhu cầu lithium có thể sẽ tăng 203 lần, trong khi nhu cầu manganese sẽ tăng 161 lần so với hiện nay.
Nhật Bản đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung kim loại đất hiếm để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, nước xuất khẩu kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới và hiện đang cung cấp tới 97% nhu cầu kim loại đất hiếm của Nhật Bản.
Trong các loại đất hiếm, ít nhất có 96% loại quan trọng nhất hiện đang được khai thác và sản xuất tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã thông qua công tác quản lý, kiểm soát để hạn chế xuất khẩu sản lượng đất hiếm, tạo điều kiện cho ngành chế tạo của họ.
Bản báo cáo kể trên đã phản ánh một quan điểm mới, đó là Mỹ cần sở hữu nguồn đất hiếm để đảm bảo khả năng sống còn của ngành chế tạo năng lượng xanh của Mỹ. Bản báo cáo này đã đánh giá khá bi quan về khả năng Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.
Trung Quốc nắm 99,8% của 5 loại đất hiếm lớn. Kể từ năm 2006 trở đi, Trung Quốc đánh thuế suất 15% đối với các loại đất hiếm nhẹ như La, Ce, và 25% đối với các loại đất hiếm nặng như Dy, Tb.
Trên thế giới hầu như chỉ miền nam Trung Quốc mới khai thác Dy, loại đất hiếm này ở Trung Quốc có giá bán là 95 USD/kg, nhưng sau khi đánh thuế thì giá lên tới 135 USD/kg.
Không chỉ vậy, ngày 14/12, Trung Quốc công bố năm 2011 họ sẽ còn tăng thuế xuất khẩu đối với một số đất hiếm. Hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, cộng với lao động giá rẻ, trợ cấp lớn của chính phủ, làm cho Trung Quốc ngày càng có khả năng chi phối trong ngành năng lượng xanh cần đất hiếm, chẳng hạn như sản xuất tuabin gió.
Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát xuất khẩu đất hiếm có thể thúc đẩy các công ty nước ngoài như Công ty Molycorp của Mỹ và Tập đoàn Lynas của Australia đi vào hoặc quay trở lại khai thác đất hiếm, nhưng đất hiếm khai thác theo kế hoạch của hai công ty này chủ yếu là đất hiếm nhẹ, còn sản lượng rất nhiều loại đất hiếm vừa và nặng rất quan trọng cho năng lượng xanh thì lại tương đối ít.
Theo Bee