Làm thí nghiệm sản xuất đất tẩy màu theo kiểu… “con nhà nghèo“! |
Để làm ra những giọt dầu ăn màu vàng chanh óng ánh, có lẽ ít người biết rằng trong các khâu sản xuất có hai chất không thể thiếu: đất và than tẩy màu. Một kỹ sư người VN đã cất công nghiên cứu qui trình công nghệ sản xuất hai loại chất này bằng chính nguồn nguyên liệu của VN…
Tác giả của qui trình công nghệ ấy, kỹ sư Phạm Trọng Uyên – nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu dầu thực vật tinh dầu hương liệu mỹ phẩm VN – bộc bạch: “Với tôi, đây là hai kết quả nghiên cứu tâm đắc và ưng ý nhất trong những tháng ngày làm khoa học”. Ngày mới bắt tay vào việc, ông quả quyết: “Tôi sẽ đeo đuổi đến cùng và sống chết với hai hướng nghiên cứu này…”.
Ông nói trong ngành sản xuất dầu thực vật có công đọan quan trọng là tẩy màu cho dầu thành phẩm từ đất và than tẩy màu (than hoạt tính). Đối với các loại dầu chưa tinh chế (dạng thô) nhưng đã tương đối sạch sẽ, 1 tấn dầu ăn cần 1,5kg than tẩy màu và 3,5kg đất tẩy màu.
Tuy nhiên, đối với loại dầu mới ép xong như dầu phộng, dầu mè, dầu dừa… thì phải dùng đất tẩy màu và than tẩy màu gấp 10 lần tỉ lệ nói trên. Trong khi đó, ngành dầu thực vật VN có sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, thậm chí có những dự báo con số này có thể lên đến 500.000 tấn/năm.
Tuy nhiên theo ông Uyên, cho đến nay hầu như toàn bộ nhu cầu đất tẩy màu phục vụ các ngành sản xuất phải nhập ngoại với giá hàng trăm USD mỗi tấn. Trong khi đó, ông Uyên cũng khẳng định ở nước ta có nguồn nguyên liệu rất dồi dào, trữ lượng đến hàng triệu tấn, có thể dùng để sản xuất đất tẩy màu rất tốt.
Đó chính là mỏ bentonit – một loại đất sét trong số khoảng 100 loại đất sét tại VN – ở Di Linh (Lâm Đồng), có chất lượng tốt, hàm lượng cát, sỏi, đá… chỉ chiếm 10-15%.
Ông Uyên cho biết qui trình công nghệ sản xuất đất tẩy màu từ nguyên liệu bentonit Lâm Đồng đã được nghiên cứu thành công và chứng minh khả năng sản xuất ở qui mô thí nghiệm.
Theo ông, đất nguyên liệu bentonit Lâm Đồng sau khi cho các loại axit như axit clohydric (HCl), axit sunphuaric (H2SO4) thì các oxit kim loại có trong bentonit tan ra, tạo nên các lỗ trống có kích thước cực nhỏ (tính bằng đơn vị angstrom; một angstrom bằng 10-8cm) bên trong cấu trúc tinh thể bentonit.
Kích thước lỗ trống này tương đối vừa vặn với kích thước hạt màu lẫn trong dầu. Khi cho đất tẩy màu vào dầu thì các hạt màu lẫn trong đó sẽ chui vào và bị nhốt gọn bên trong các lỗ trống của các tinh thể đất tẩy màu. Chính cơ chế này góp phần làm cho dầu được sạch sẽ, có màu sắc đẹp mắt. Than tẩy màu cũng có tác dụng tương tự nhưng giá cả cao hơn đất tẩy màu.
Ông Uyên khẳng định với những gì đã nghiên cứu được, hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học và khả năng để sản xuất đất tẩy màu từ nguồn nguyên liệu dồi dào của VN, có thể cạnh tranh được với đất tẩy màu nhập ngoại. Với than tẩy màu cũng thế, vẫn có thể sản xuất loại than này từ mùn cưa hiện có nhiều ở VN, phục vụ công nghiệp làm bột ngọt, tẩy trắng đường, dầu ăn.
GIÁNG HƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ Online