Chắc nhiều người vẫn nhớ đoạn clip hàng trăm học sinh cấp 1 thuộc và hát theo bài “Chắc ai đó sẽ về” được chia sẻ trên mạng gần đây, khiến bất cứ ai cũng không khỏi bất ngờ về khả năng “cover” của các bé. Nhưng đó không phải là điều gì hiếm gặp, bởi ngay như con tôi cũng vậy, mới học mẫu giáo lớn nhưng con chỉ thích hát “em của ngày hôm qua ú u…” và rất nhiều những bài người lớn khác.
Lúc đầu thì cả nhà thấy hào hứng, ủng hộ lắm. Ai cũng khen sao trẻ con giờ thông minh, nhớ tốt thế. Cái giọng ngọng líu ngọng lô vừa hát vừa nhảy mới đáng yêu làm sao. Nhớ nhất là “trào lưu” nhảy ngựa “ộp pà cang nam sài”, có khi cả nhà tôi phải xếp hàng nhảy nhót cùng con. Quay sang hàng xóm cũng một cảnh y như vậy. Vui thì vui thật, nhưng có một sự thật là con tôi chẳng còn hào hứng gì với những bài hát trẻ con được học ở lớp cả.
Nếu như cách đây khoảng chục năm, tuổi thơ của đứa trẻ nào cũng gắn liền những đĩa nhạc của Xuân Mai, Xuân Nghi,… thì giờ đây, có lẽ những bài hát đó chỉ phù hợp với bọn trẻ chưa đi học mẫu giáo. Nhiều lần tôi cố tình mở ra nhưng con cũng chẳng thèm xem. Cũng không thể trách được tại sao trẻ con giờ thuộc nhiều bài hát người lớn đến thế, bởi đó cũng chỉ là một phản xạ tự nhiên học theo của trẻ con. Chẳng qua, có thể thấy độ phủ sóng của các bài hát người lớn quá dày và cực kì rầm rộ, bất cứ đâu cũng nghe thấy “Em của ngày hôm qua, 4 chữ lắm, yêu,…”; nên việc hát theo cũng chỉ là vô thức do nghe quá nhiều trên các phương tiện giải trí, chứ có thể các em cũng không hiểu nội dung ca từ. Thiết nghĩ, đó không phải lỗi của các em mà là xu hướng hiển nhiên của thời đại, khi mà nhu cầu tinh thần của trẻ con thì lớn mà công tác giáo dục truyền thông thì chưa đáp ứng được. Bài hát cho trẻ em còn nghèo nàn, cung không đủ cầu. Hay đơn giản như các chương trình game show ca nhạc dành cho người lớn thì quá nhiều, còn dành cho trẻ em thì quá ít. Thậm chí game show ca nhạc dành cho trẻ em, nhưng ca khúc của chương trình lại chủ yếu là bài hát của người lớn, dù có một số ca từ được thay đổi nhưng so với lứa tuổi đó, để cảm nhận được hết e là khó.
Việc trẻ hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi cũng không thể nói là sẽ ảnh hưởng xấu, nhưng chắc chắn khi nghe và hát những bài hát đó lâu, những ca từ uỷ mị, yêu đương day dứt sẽ khơi gợi, ăn sâu vào tâm trí khiến trẻ có suy nghĩ lớn hơn tuổi. Chúng ta không nên hưởng ứng, cổ vũ chiều theo ý thích không phù hợp của trẻ, mà cần quan tâm phát triển những điều phù hợp với độ tuổi của trẻ hơn.
Từ khi lọt lòng trẻ đã được gắn bó với âm nhạc qua lời ru câu hát của mẹ, của bà. Không phải tự nhiên mà những lời ru đó trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, mà ẩn chứa trong đó là sự giáo dục về lòng hiếu thảo, sự yêu thương, chung thuỷ: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, có lẽ bà mẹ nào cũng thuộc những câu hát chứa chan tình cảm này.
Thế mà, khi con lọt lòng ta đã ý thức được việc giáo dục cho con, nhưng dần dần khi con tiếp thu được, noi theo được ta lại quên mất rằng, làm gương cho con là yếu tố hàng đầu trong giáo dục. Chính chúng ta – những ông bố bà mẹ là người khiến trẻ tiếp xúc với những văn hoá không phù hợp đó. Việc khen ngợi, hưởng ứng làm trẻ tưởng đó là hay và sẽ càng phát huy. Vì thế, tạm gác lại sở thích của cha của mẹ đi, hãy thay bằng việc cùng con trở về tuổi thơ với những bài ca, lời hát đúng độ tuổi của bé. Ngoài việc cần kết hợp với nhà trường để có những phương pháp giáo dục phù hợp, thì trong gia đình bố mẹ hãy cùng con cái xây dựng cuộc sống lành mạnh. Không phải tự nhiên người ta nói “nhà có trẻ em ai cũng thành trẻ con”. Hãy cùng bé đọc thơ và hát những bài dành riêng cho độ tuổi của bé để con cảm nhận những gì hồn nhiên, vui tươi và trong sáng nhất. Hãy hạn chế cho bé xem quá nhiều chương trình ca nhạc dành cho người lớn, cũng không nên cổ vũ trẻ hát những bài hát không phù hợp nữa. Chúng ta cần tạo điều kiện để con mình phát triển theo đúng tự nhiên thay vì tác động để “trái xanh bị chín ép”. Hãy để con hiểu về “tình yêu” là yêu ông, yêu bà, yêu cha mẹ, anh em và yêu thương vạn vật, chứ không phải là tình yêu đôi lứa, các mẹ nhé!
Mèo Hoa
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.