Đến bệnh viện thăm khám vẫn không ra bệnh
Anh T.V.Dần, 24 tuổi (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) bị ho dai dẳng hơn 2 tháng, anh Dần cũng đã dùng các phương thuốc dân gian chữa ho khác nhau như: ngậm chanh đào ngâm mật ong, mật ong ngâm tỏi,… cho đến kháng sinh, song vẫn không khỏi. Đầu tháng 5, anh được một người bạn chỉ dẫn đến phòng khám đông y của một vị thầy thuốc tiếng tăm để khám. Nhưng sau một tuần sắc thuốc bắc uống, tình trạng ho vẫn không khuyên giảm.
Lo lắng khi triệu chứng ho nhiều vào buổi tối liên tục xảy ra, anh Dần đã đến bệnh viện thăm khám và chụp x-quang phổi. Bác sỹ chẩn đoán anh bị viêm phế quản nhẹ và kê cho anh 5 ngày thuốc. Nhưng anh Dần lại cho biết: “Tôi đã chụp x-quang, bác sỹ bảo kết quả chụp x-quang thì tim và phổi bình thường, chỉ có ở cuống phổi hơi bị động và kết luận tôi bị viêm phế quản nhẹ. Bác sỹ cũng đã kê đơn thuốc cho tôi nhưng chỉ có hai loại và uống trong 5 ngày. Điều đáng nói ở đây là sau 5 ngày uống thuốc tôi vẫn không đỡ, tôi đã mua thêm 5 ngày nữa để uống. Sau 10 ngày điều trị tôi vẫn ho nhiều vào buổi tối”.
Trong tình trạng hoang mang, anh Dần đến khám lại bác sỹ đã yêu cầu anh phải tiêm thì tình trạng sức khỏe mới ổn định. Nhưng anh Dần đã đề nghị bác sỹ cho kiểm tra tai – mũi – họng (TMH) của mình trước khi kê đơn thuốc. Sau khi khám nội soi TMH thì anh Dần được bác sỹ cho biết, do anh bị viêm xoang ở mũi nên dẫn đến việc dịch ở mũi chảy xuống họng tạo thành đờm và gây ngứa ở cổ họng, đây cũng chính là nguyên nhân gây ho.
Điều bất ngờ là sau mấy ngày uống thuốc chữa viêm xoang, anh đã bớt ho và có biểu hiện sức khỏe ổn định. Nhưng anh lại băn khoăn rằng, liệu bản thân anh có bị viêm phổi không?
Chị Đ.P.Nhàn, nhân viên văn phòng tại Tp.Hồ Chí Minh cũng đã khám nhiều lần và uống thuốc nhưng bệnh của chị vẫn không đỡ. Chị Nhàn bị ho và khó thở, sau khi đi khám lần 1 tại bệnh viện bác sỹ bảo chị bị viêm phế quản, nhưng chị uống thuốc và tái khám 3 tuần mà bệnh vẫn không giảm. Sau đó, bác sỹ đã yêu cầu chị chụp x-quang, nội soi dạ dày, đo điện tim, chụp tuyến giáp,… và uống thuốc nhưng vẫn không đỡ.
Chị Nhàn đành đến một phòng khám khác và cũng kết luận viêm phổi, chị uống thêm 3 tuần thuốc nữa nhưng triệu chứng ho và khó thở vẫn không hết. Mọi người trong gia đình cũng khuyên chị Nhàn nên đi khám tai – mũi – họng, kết quả là bác sỹ cho biết chị bị viêm họng hạt mãn tính. Chị Nhàn đã dùng các biện pháp điều trị như đốt, xông và uống thuốc hơn 15 ngày mà tình trạng vẫn không khỏi.
“Hiện tại tôi đang hoang mang về bệnh của mình, cộng thêm vào đó là sự chán nản. Nên tôi đang tính xem có tiếp tục đi chữa không hay là sống chung với căn bệnh của mình?” – Chị Nhàn nói.
Cũng là một câu chuyện tương tự của chị L.V.Hằng, 23 tuổi (Mỹ Đình – Hà Nội), trong những ngày nắng nóng vừa qua chị Hằng đã bị ho và sốt cao năm lì bì nhiều ngày. Sau khi đến bệnh viện thăm khám, bác sỹ đã yêu cầu chị chụp x-quang, siêu âm, xét nghiệm máu và được bác sỹ kê cho một đơn thuốc. Chị Hằng cho biết: “Khi khám bệnh thì tôi còn đi lại, nói chuyện được nhưng đến khi uống thuốc vào thì tôi đã mệt hơn và nằm bẹp xuống giường và không thể dậy nổi. Sau ba ngày cảm thấy quá mệt nên tôi đã dừng việc dùng thuốc của bác sỹ kê và uống viên trị cảm panadol thì mấy ngày sau lại khỏe lại bình thường”.
Chị H.M.Linh, 25 tuổi (Nguyễn Chí Thanh – Ba Đình – Hà Nội) cũng không quên được câu chuyện “cười ra nước mắt” của mình. Chị Linh từng bị một cái nhọt mọc ở mông, sau khi đi khám tại bệnh viện với phí 200 nghìn, chị Linh được kê đơn thuốc hơn 1 triệu đồng. Nhưng sau khi điều trị thì cái nhọt của chị vẫn không thuyên giảm mà còn có biểu hiện mưng mủ.
Chị Linh chia sẻ: “Thấy không đỡ nên tôi đã dừng dùng thuốc bác sỹ kê lại, lúc đó tôi ra một hiệu thuốc gần nhà thì chị dược sĩ ở hiệu thuốc cho biết tôi bị mọc nhọt do nóng. Chị dược sĩ đã bán cho tôi một lọ thuốc 40 nghìn, tôi về uống thì ngày hôm sau nhọt bắt đầu hết ngưng mủ”.
Nên kiên trì trong cách chữa bệnh
Các bác sĩ cho biết, tình trạng bức xúc do điều trị nhiều ngày nhưng bệnh không đỡ là biểu hiện chung của nhiều bệnh nhân hiện nay. Khi có bệnh thì phải “vái tứ phương” để tìm thầy, khi hợp thầy hợp thuốc thì bệnh mới khỏi.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để chữa bệnh cần phải tìm ra được nguyên nhân gây nên bệnh. Trong cơ thể con người các bộ phận thường liên quan mật thiết đến nhau, vì thế khi một bộ phận tổn thương, có dấu hiệu của mầm bệnh thì sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Khi chưa thể tìm ra được đúng mầm mống của bệnh thì chưa thể chữa trị được dứt điểm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mặc dù thăm khám và uống thuốc nhưng bệnh nhân vẫn không khỏi là do: Chỉ khám ở một số chỗ nghi ngờ mà không bao quát; Hay bệnh nhân không nói đúng hoặc đủ các biểu hiện bệnh cho bác sỹ; Do tâm lý không ổn định dẫn đến các biểu hiện về bệnh lý,…
Do đó, khi đi khám người bệnh cần nói cụ thể, rõ ràng các biểu hiện bệnh của mình cho bác sỹ nghe. Tốt nhất bệnh nhân cần khám tổng thể để biết được rõ những bộ phận bị tổn thương do vi rút gây ra.
Trong quá trình điều trị, nếu sau 5 ngày uống thuốc mà bệnh không khuyên giảm thì cần đến gặp bác sỹ ngay để được khám lại và đổi thuốc. Để chữa hết bệnh, người bệnh cần kiên trì, đồng hành cùng các bác sỹ để tìm ra bệnh và chữa trị.
Người bệnh cần phải có đầu óc thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng, lo lắng. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, phòng ở cũng cần được thoáng mát, sạch sẽ.
Vũ Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.