Lịch sử của sự đầu độc cũng xưa cũ như lịch sử loài người. Cái chết luôn kéo theo sự hành hạ, là cách duy nhất để tồn tại sự mong muốn nhằm chiếm đoạt con tim, quyền lực và danh vọng, hay cũng là cách duy nhất để trả thù kẻ phụ tình… Theo tổng kết, phụ nữ thường là người chủ mưu những vụ đầu độc, nhất là phụ nữ đẹp.
Đầu độc bằng cách nào, với phương thức gì? Tác dụng nhanh hay chậm khiến nạn nhân phải quằn quại đau đớn, hay đơn giản là chìm vào giấc ngủ vô biên? Chúng ta cùng lần lại lịch sử xem.
Từ thời trung cổ
Trước cả thời cai trị của triều đại Amenemhat có công đầu tiên thống nhất bờ cõi Ai Cập trong thế kỷ XIX Tr.CN, người ta đã biết rõ tác hại của các loại hợp chất như antimon, thạch tín, đồng, chì… cũng như các loài thực vật chứa độc tố mạnh gây nghiện bảng A như cây anh túc (opium)…
Các độc dược thực vật được cả người Âu châu rất lưu tâm. Ngay trong thế kỷ IV Tr.CN, giới triết gia Hy Lạp đã để ý đến chúng như Aristotle (384-322 Tr.CN) và người học trò Theophrastus (371-287 Tr.CN) của ông sau này được tôn là “Cha đẻ của thực vật học”, đã tìm thấy trong cây quýt rừng những độc tố ru ngủ cũng như cuồng tình.
Trong thế kỷ II Tr.CN, đức Vua Attalus II (220-138 Tr.CN) của xứ Pergamon đã dâng Vương quốc cùng các thần dân của mình cho người La Mã, còn ông lui về chuyên tâm với cây độc dược cùng nhà thơ Nicander thử nghiệm trên các tù nhân. Ngoài ra những cuộc thử nghiệm này còn là đề tài cho 2 bài trường ca của Nicander nói về những loài trăn và rắn độc. Nhà thơ này cũng mô tả trong đó những tác dụng của độc dược chứa trong các loài cây khác nhau.
Tranh mụ Locusta đang pha chế thuốc độc để thực hiện các hành vi ám muội.
Trước ngưỡng cửa của cuộc đối kháng giữa các nhóm vô thần và người Thiên chúa giáo, thành phố Rome trở thành địa điểm mà tệ nạn đầu độc trở nên rất phổ biến, đe dọa những nền tảng của đế chế La Mã. Khởi sự đầu Công nguyên gắn liền với tên tuổi mụ Locusta, nữ trùm đầu độc khét tiếng từng tiến hành nhiều vụ ám hại theo yêu cầu của vị Hoàng đế nổi danh Nero (37-68).
Dưới sự trợ giúp của Locusta, bà Julia Augusta Agrippina (15-59) mẹ của Nero đã đầu độc Hoàng đế Claudius (10.Tr.CN-54) chồng mình và cả người chú ruột là Hoàng đế Augustus (63 Tr.CN-14). Còn Nero (con trai trong đời chồng đầu của bà J. Agrippina) lại đầu độc Britannicus (con trai của Augustus) vốn là đối thủ chính trong việc giành giật vương miện Hoàng đế. Thậm chí Nero còn đầu độc cả mẹ mình là bà Agrippina, cũng như cả 2 người vợ đầu là Claudia Octavia (39-62) và Poppaea Sabina (30-65) cùng nhiều nhân vật có thế lực khác; để rồi cuối cùng Nero cũng tự vẫn nốt vào đầu tháng 6-68.
Trong thời Trung cổ, bác sĩ Jabir ibn Hayyan (721-815), thường được gọi là Geber, một nhà dược học ở Baghdad (Iraq) đã thí nghiệm tìm ra một độc tố dạng bột được ông đặt tên là Arsenic (As) (hay còn gọi là thạch tín). Hợp chất hóa học không màu không mùi này trở thành một trong những độc dược đáng sợ nhất, được ưa dùng nhất trong các vụ đầu độc và thực tế cho đến ngày nay vẫn vậy.
Chỉ một liều cực nhỏ từ 0,1g – 0,2g cũng đủ gây chết người rồi. Sự phổ biến việc sử dụng chất As không phải do tình cờ, bởi từ khi nạn nhân tiếp xúc cho đến lúc xuất hiện những phản ứng đầu tiên trải qua một thời gian rất dài, với những dấu hiệu nôn mửa, đi cầu lỏng, đau quặn trong bụng và sốt cao – những triệu chứng thường được cho là một dạng viêm chảy đường ruột. As tuy chỉ với liều lượng nhỏ cũng làm các nạn nhân suy nhược dần, với cái chết trông giống như hậu quả của một căn bệnh khó hiểu nào đó.
Chỉ do không may, hoặc do cách pha chế không khéo léo thì “thủ phạm” As mới bị phát hiện. Người ta cho rằng hàng trăm nghìn người trong lịch sử đã biến thành nạn nhân của As, nên chẳng có gì lạ khi chất này được mệnh danh là“vua của các loài độc dược”.
Cơn sốt độc dược
Trong 2 thế kỷ XV và XVI ở Âu châu bùng lên “cơn sốt” độc dược. Tại Italia thậm chí còn mọc lên cả các cơ sở đặc biệt dành cho những kẻ muốn trau dồi “nghệ thuật đầu độc” nữa. Đứng đầu là ngôi trường ở Venice với mục đích đầu độc chính trị. Thuốc độc được dùng hòng loại trừ những kẻ không thích hợp. Tài liệu còn được lưu trữ ghi cụ thể tên tuổi các nạn nhân, cách thức đầu độc cũng như số tiền trả để thuê những tên đầu độc chuyên nghiệp.
Thứ đến là ngôi trường ở Rome, liên quan mật thiết đến dòng họ Borgia. Tên tuổi của trường khởi sự từ Alfonso de Borgia (1378-1458), người kể từ năm 1455 chính thức trở thành Giáo hoàng Callixtus III. Còn “vinh quang rạng rỡ” là do vị Giáo hoàng – đầu độc lừng danh Alexander VI (1431-1503), ngự trị từ năm 1492 đến năm 1503, cùng con trai của ông ta là đức Hồng y giáo chủ Cesare Borgia (1475-1607) và cô con gái xinh như mộng Lucrezia Borgia (1480-1519).
Tranh bác sĩ Geber điều chế chất As – “vua của các loài độc dược”.
Giáo hoàng Alexander VI thanh trừng qua đầu độc hàng loạt các vị Hồng y bất đồng chính kiến, hay những kẻ ưa “chõ mũi” vào đống tài sản kếch xù của ông ta. Cuối cùng Alexander VI cũng trở thành nạn nhân của độc dược: trong một lần ông đã nếm nhầm món đồ ăn do chính tay mình bỏ thuốc độc từ trước.
Còn trường dạy đầu độc ở Naples lại đạt tới đỉnh vinh quang “khó phủ nhận” trong thế kỷ XVIII. Đại diện “lẫy lừng nhất” của ngôi trường này là mụ Giulia Tofana (1617-1659), kẻ đã từng đầu độc hơn 600 người trong giai đoạn từ năm 1633 – 1651. G. Tofana dùng dung dịch AS có trong chất thải chứa vi trùng, mà mụ kiếm được những món hời lớn qua việc bán chúng dưới dạng biệt dược “Aqua Tofana” mang tên mình. Trên các chai lọ đựng thứ độc tố này luôn có dòng chữ “Ma thuật của Thánh Nicholas ở Bari”, đi kèm theo cả hình chân dung của vị thánh nổi tiếng này nữa.
Dưới thời mụ G. Tofana, những phụ nữ La Mã có chồng từ những dòng họ danh giá thường tụ tập nhau lại trong các hội kín, với mục đích đầu độc các đức lang quân cũng như đám thân bằng quyến thuộc, nhất là với những người giàu có để tính bài thừa kế. Nhưng dạng hội đoàn bí hiểm này sau đó đã bị bóc trần, kết cục 13 nữ thành viên bị treo cổ, còn những người khác bị tra tấn công khai nơi công cộng.
Các cách đầu độc còn được phát triển trong dòng họ Medici giàu có ở xứ Cộng hòa Florence, dòng họ đã sản sinh ra ba vị Giáo hoàng La Mã là Leo X (1513-1521), Clement VII (1523-1534) và Leo XI (1535-1605). Họ cũng “tặng” cho nước Pháp hai bà Hoàng hậu xinh đẹp là Catherine de Medici (1547-1559) và Marie de Medici (1600-1610). Kể từ khi bà hoàng Catherine qua Pháp, số vụ đầu độc tăng lên một cách đáng sợ…
Nửa sau thế kỷ XVII, trong lịch sử Âu lục được coi như là thời kỳ lan tràn đại dịch đầu độc. Với thuốc độc, phụ nữ thoát khỏi tay chồng, người tình hoặc các nữ tình địch thủ; con cái đầu độc cha mẹ để chiếm đoạt tài sản một cách nhanh nhất. Dưới sự trợ giúp của độc dược người ta thanh toán lẫn nhau như các nhân chứng bất tiện, những địch thủ trong kinh doanh, cũng như cả những chức tước béo bở…
Hiện thân của giai đoạn này là mụ Marie de Brinvilliers (1630-1676) người Pháp, một kẻ đầu độc chuyên nghiệp trẻ đẹp và giàu có. Mụ bắt đầu “sự nghiệp” của mình tại một bệnh viện ở Paris, nơi mụ kiểm tra các ảnh hưởng của độc tố lên cơ thể bệnh nhân. Sau đó M. Brinvilliers tiến hành đầu độc chồng, cha và 2 người anh ruột. Rốt cục một phiên tòa mở trong năm 1676 đã quyết định hành hình “nữ hoàng đầu độc” Brinvilliers. Kế tiếp những hiện tượng tương tự xảy ra khắp châu Âu.
Như trường hợp của mụ Ane Swaisinger ở Nuremberg (Đức) dùng chất As đầu độc tới 22 người, nhưng chỉ “thành công” trong 3 trường hợp. Mụ này đầu độc các nạn nhân bằng những cách hành hạ cơ thể khủng khiếp nhất. Còn mụ Marceta Gotfryd người Serbia thì đã đầu độc 15 người. Riêng Anne-Marie Genter vốn là một cô gái thôn quê ở Bỉ cũng đã dùng As đầu độc hàng chục nạn nhân, trong đó có 21 người thiệt mạng…
Sự can thiệp của khoa học kỹ thuật
Trong năm 1840 ở thành phố Toulon (Pháp) có một phiên tòa đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử độc dược, khi bị cáo Marie Lafarge (1816-1852) bị buộc tội đã dùng chất arsenic đầu độc chồng mình cùng mức án khổ sai chung thân. Phiên tòa này đã đi vào lịch sử, bởi đây là lần đầu tiên người ta áp dụng phương pháp khoa học khám nghiệm tử thi, mổ xác người bị hại hòng xác định nguyên nhân cái chết và thủ phạm As đã được tìm ra. “Vua của các loại thuốc độc” đã rớt khỏi ngai vàng, bởi từ nay arsenic không thể mặc sức tung hoành mà không bị phát hiện nữa.
Giai đoạn hiện đại thời nay chứng kiến sự phát triển như vũ bão của ngành độc tố học, bộ môn khoa học về các dạng độc dược, cách sử dụng cùng các tác động của chúng. Đồng thời cũng xuất hiện những phương pháp khám phá mới về các chất độc, mọi bí mật trước kia của “vua độc tố” As đều được khoa học đưa ra ánh sáng.
Người ta cũng nhận thấy arsenic dạng vôi không dễ hòa tan trong nước, nên không thể lọt qua được các màng thẩm thấu của cơ thể. Còn chất As chỉ chiếm chừng một phần triệu trọng lượng cơ thể con người, nên có thể biết khi nào một nạn nhân bị ngộ độc arsenic, với khối lượng bao nhiêu và kéo dài bao lâu?
Nhưng những vấn đề đã biết chưa phải là hoàn thiện nhất, như với trường hợp của mụ Marie Besnard (1896-1980) cùng tội danh dùng chất As đầu độc ít nhất 12 người. Quá trình xử án kéo dài gần 13 năm đằng đẵng, từ năm 1948 – 1961 và bản án đã phủ một bóng tối lên mọi điều đã khám phá về chất arsenic. Thủ phạm được tha bổng vì không đủ chứng cớ. Sau 7 năm tiến hành thực nghiệm liên tục với những ngôi mộ ở thị trấn Loudun, thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine phía tây nước Pháp, nơi có những người bị M. Besnard đầu độc trong quá khứ được chôn.
Cuối cùng các nhà khoa học đã đi đến kết luận, rằng sự giới hạn giữa hóa học và vi sinh thể hiện trong tự nhiên lại khác hẳn với lý thuyết đã biết, khiến arsenic dạng vôi khó hòa tan lại có thể lọt qua được màng thẩm thấu của cơ thể. Chính điều này đã trở thành “lợi thế” lớn nhất cho thủ phạm từng bị tình nghi.
Thực tế cho thấy arsenic – “vua của độc dược” vẫn tiếp tục những tội ác quay cuồng đáng sợ, qua con đường lịch sử vẫn còn hiện hữu mãi tới bây giờ và cả mai sau. Chất độc As quả thực là một đối thủ lợi hại với sinh mạng của con người.