Thời gian gần đây, những sai sót trong sách giáo khoa cũng như sách tham khảo của học sinh đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Từ việc dạy trẻ con nói dối, cổ vũ bạo lực,… và gần đây nhất là dạy lòng dũng cảm cho trẻ bằng cách đi trên thủy tinh gây xôn xao dư luận.
Nhan nhản sách, truyện tranh dạy trẻ cái nhìn lệch lạc
Hiện nay, truyện tranh, sách dành cho thiếu nhi được coi là thị trường màu mỡ cho các nhà xuất bản. Chính sự nở rộ của thị trường sách thiếu nhi làm cho số lượng sách gia tăng nhưng chất lượng đi xuống. Trước kia, chỉ có một vài đơn vị sản xuất sách dành cho thiếu nhi, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nhà xuất bản cũng mở rộng phát triển thêm mảng này.
Hiện nay, có rất nhiều sách tham khảo dành cho trẻ nhỏ.
Dạo quanh một số nhà sách trên địa bàn Thủ đô, không khó để tìm kiếm những cuốn truyện cổ tích, sách dạy kĩ năng sống cho đủ mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nội dung bên trong có những gì, chỉ đến khi mua về đọc, nhiều người không khỏi giật mình.
Bộ sách Truyện tranh cổ tích Việt Nam chọn lọc của Nhà xuất bản Thanh niên, bên cạnh câu chữ phần hình ảnh minh họa kinh dị khiến người lớn cũng phải… “chào thua”. Bộ truyện này có hàng chục cuốn và cuốn nào cũng có hình ảnh ghê rợn như cảnh chặt đầu mãng xà, trăn nuốt chửng người,…
Hoặc trong cuốn truyện “Chuột Trắng kiêu căng” thuộc bộ sách 99 truyện kể trước giờ đi ngủ của Nhà xuất bản Đồng Nai đã miêu tả khá chi tiết cảnh Mèo Vàng ăn thịt Chuột Trắng như thế nào. Không chỉ có câu từ ghê rợn, kèm theo đó là hình ảnh minh họa mèo bóp cổ chuột.
Cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” của Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên đang gây xôn xao dư luận.
Và đặc biệt, gần đây nhất là cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” của Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên cũng gây xôn xao và bức xúc trong dư luận. Xin dẫn lại nội dung “Trong bài học vượt qua nỗi sợ”. Phần câu chuyện “Bạn An dũng cảm” (trang 77) có dẫn chứng dạy học sinh đi qua thảm thuỷ tinh.
Phần dạy kĩ năng sống cho trẻ đang nhận được nhiều dư luận trái chiều.
Cụ thể: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt học sinh và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh. Nhờ vậy mà An đã đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ, và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”.
Nhiều phụ huynh tỏ ra “hoang mang” rằng, đọc những cuốn sách như thế này lỡ con cái mình thấy đống thủy tinh nào cũng đi lên, hoặc tự “thí nghiệm” với nhau thì nguy hiểm đến mức nào. Rồi có cuốn sách thì hướng dẫn trẻ cười với ông bà, cười với bạn bè, và cười luôn với cả… cây cối trong vườn! Cứ tình trạng sách liệu vậy liệu có khiến những đứa trẻ trở nên… ngớ ngẩn?!
Phụ huynh lo lắng
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông lần lượt “nhặt sạn” ở hàng loạt đầu sách khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng. Trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có thời gian kiểm chứng, thẩm định nội dung của từng cuốn sách. Bởi vậy, khi phát hiện ra con em mình đang đọc những cuốn sách bạo lực, nội dung tục tĩu không phù hợp với lứa tuổi,… họ tỏ ra vô cùng bức xúc.
Chị Thúy Nga (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ngày trước, khi còn nhỏ, có một cuốn sách để đọc là quý lắm rồi. Số lượng sách có hạn nên việc kiểm duyệt nội dung khá chặt chẽ. Bây giờ sách nhan nhản, việc kiểm duyệt qua loa, đại khái nên cầm cuốn sách nào lên chị cũng không an tâm.
Nhiều phụ huynh khá cẩn thận xem từng trang sách trước khi quyết định mua cho trẻ.
“Cách đây vài tháng, tôi có mua cho hai đứa con nhỏ cuốn truyện “Cổ tích Việt Nam” do nhà xuất bản kim Đồng tái bản vào tháng 10/2014. Khi đọc thử tới đoạn Thạch Sanh giết Trằn tinh mà tôi không khỏi giật mình. Cụ thể, đoạn này viết: “Cuối cùng Trăn tinh bị đuối sức, Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu Trăn tinh bổ xuống thật nhanh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”. Người lớn đọc còn thầy rùng mình, huống hồ trẻ nhỏ. Giờ cứ đi mua sách, tôi đều phải tham khảo và kiếm tra thật kĩ trước khi quyết định”, chị Nga nói.
Cùng chung tâm trạng với chị Nga, chị Lê Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng: “Trước đây, khi mua sách; tôi thường “ỉ lại”; lựa chọn sách cho con theo Nhà xuất bản và không đọc kĩ nôi dung bên trong. Một lần khi nghe cậu con trai 6 tuổi thắc mắc thế nào là giết người, thế nào là ăn thịt đồng loại khiến tôi giật mình về nội dung những cuốn sách mà mình đã mua. Bây giờ, mỗi khi mua sách tôi rất cảnh giác”.
Theo các nhà nghiên cứu, chuyên viên tâm lý; việc cho trẻ tiếp xúc với những tác phẩm sách, truyện nội dung không phù hợp sẽ khiến trẻ có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống; thậm chí tiêu cực. Bệnh về tinh thần này khó chữa hơn các bệnh về thể chất gấp nhiều lần. Vì vậy, khi lựa chọn sách cho con trẻ, cần phải có một màng lọc nhiều tầng từ người viết sách, các cơ quan quản lý, các nhà xuất bản,… Và quan trọng hơn cả là các bậc phụ huynh cần lựa chọn và định hướng sách đọc cho con.
Hoàng Sa
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.