Môi trường công sở chính là một xã hội thu nhỏ với đủ loại tính cách, âm mưu và cạnh tranh trong bốn bức tường mang danh trí thức. 8h làm việc và 2 giờ nghỉ trưa, chưa kể giờ làm thêm và họp đột xuất đủ để biến văn phòng công ty trở thành một ngôi nhà thứ hai, và những hiềm khích, mâu thuẫn là không tránh khỏi. Vậy chị em phụ nữ sẽ làm gì để thoát khỏi những rắc rối hơn thua trong đấu trường công sở?
Khi gặp bất đồng trong quan điểm
Chuyện 2 người phụ nữ và một con vịt luôn thành một cái chợ chẳng bao giờ sai. Vấn nạn buôn dưa lê nơi công sở dù muốn hay không bạn cũng sẽ bị lôi vào câu chuyện của họ, cho dù bạn chẳng làm gì sai. Hoặc có nhiều khi chị em công sở mâu thuẫn nhau vì những lý do rất nhỏ nhặt: Soi xét nhau từng bộ quần áo, cái túi xách, cách đi đứng, thái độ với đồng nghiệp và cả những vấn đề chẳng liên quan gì đến họ nhưng vẫn bị họ ngấm ngầm hoặc công khai đánh giá. Những lúc họ gây khó chịu cho bạn như vậy, bạn sẽ làm gì?
Hãy nhớ:
Bạn đến đây là để làm việc, không phải là để tranh cãi hay sa đà vào những câu chuyện không đầu không cuối. Bạn không thích cái thói ngồi lê đôi mách nói xấu người khác? Bạn không thích cái cảnh ngồi rỗi kể lể tâm sự chuyện cá nhân, riêng tư? Bạn không thích bình phẩm về thói quen hay ngoại hình của người khác? OK! Bạn hãy cứ là bạn, nếu họ nói xấu bạn thì tức là họ đang đặt mình ở vị trí sau lưng bạn, vậy thì bạn cần gì phải quan tâm đến những thứ ở sau lưng bạn?
Nếu như họ công khai nói điều đó trước mặt bạn, điều mà bạn vừa nghe đủ để gây khó chịu với bạn thì tùy mức độ xúc phạm nặng nhẹ mà bạn có thái độ cư xử cho phù hợp.
Nếu chỉ là một đánh giá phiến diện về ngoại hình hay câu đùa vô duyên, hãy coi như bạn không nghe thấy, việc to hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không có gì. Nếu câu chuyện gây tổn thương cho bạn, hãy tìm người đưa chuyện và nói chuyện thẳng thắn. Và điều quan trọng nhất trong mọi cuộc tranh luận nơi công sở, hãy nhớ bạn đến đây để làm việc, không phải là để sa đà vào những chuyện công sở tầm phào không phục vụ cho mục đích công việc của bạn.
Làm sao để “dĩ hòa vi quý” các mối quan hệ công sở?
Đôi khi môi trường công sở thực sự là một đấu trường mặt nạ, người nào sở hữu nhiều mặt nạ nhất người đó sẽ chiến thắng. Đừng nghĩ đeo mặt nạ là một điều gì đó xấu xí, không “fair play”. Một người có thể dung hòa được tất cả mọi mối quan hệ trong môi trường làm việc thì đó là người sử dụng kĩ năng mềm rất tốt.
Dung hòa các mối quan hệ ở đây có nghĩa là bạn đang là người công tư phân minh, việc ra việc – tình ra tình. Bạn ghét cái gã trưởng nhóm ích kỉ suốt ngày thích vơ công trạng của người khác về gã, nhưng bạn cũng đồng thời thừa nhận khả năng lập kế hoạch và cách nhìn người của gã. Bạn ghét cái chị kế toán suốt ngày hạch sách nhân viên dù chị chỉ có vị trí tương đương như bao nhiêu nhân viên trong công ty, nhưng bạn cũng khâm phục khả năng làm việc quá chuyên nghiệp của chị ta, nhờ thế mà tháng nào cũng lương lĩnh đủ, thưởng không chuyển chậm xu nào…bạn ghét cái thói chảnh chọe của cô nàng trợ lý giám đốc nhưng đồng thời công nhận khả năng nói ngoại ngữ như gió của cô ta và phong cách thời trang cực kì hợp mốt của cô ta nữa…
Đó! Khi mà bạn thừa nhận cả cái xấu lẫn cái tốt trong một con người thì điều đó có nghĩa là bạn đã học được sự công tư phân minh rất tốt. Nhờ đó mà bạn có thể có những mối quan hệ an toàn ở đấu trường công sở.
Nên nhớ:
Bạn không thể làm việc một mình mà sẽ có lúc cần đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp khác! Dĩ hòa vi quý luôn là một từ khóa cần nơi công sở.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.