Đầu tư cho 1 MW phong điện hết 1,3 triệu USD

Theo đại diện Công ty KV VENTI (Séc) đang có dự án phong điện tại Vân Đồn (Quảng Ninh), đầu tư cho mỗi MW phong điện ở Việt Nam tốn chừng 1,3 triệu USD. Bình Thuận và Ninh Thuận là những địa điểm phù hợp khai thác nguồn điện năng này. 

Mô hình một nhà máy phong điện. Ảnh: Green Dairy.

“Tiềm năng gió ở Việt Nam đạt mức khá trên thế giới, lại có bờ biển dài và tương đối nông nên thuận lợi khai thác phong điện. Các nước châu Âu gặp khó khăn trong việc xây dựng phong điện vì gió yếu. Còn các bạn có lợi thế lớn nhưng hạn chế về công nghệ”, đại diện của KV Venti cho biết thêm.

Khu vực miền Trung và các hải đảo của Việt Nam có tốc độ gió trung bình 4m/s có thể lắp đặt các tuabin gió ở độ cao 12 mét. Trước đó, dự án nhà máy phong điện Côn Đảo 7,5 MW đã được triển khai trên diện tích 50 ha tại khu vực mũi Chim Chim, với tổng vốn đầu tư khoảng 20 triệu Euro sẽ đi vào hoạt động năm 2010. Dự án có thời gian hoạt động 30 năm.

Ngoài ra Việt Nam còn có tiềm năng dồi dào về năng lượng mặt trời với 2.000 – 2.500 giờ nắng mỗi năm. Riêng vùng Tây Bắc và Trung bộ hiện có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng 30 – 1.050 độ C. Dự tính, đến năm 2025 chúng sẽ sản xuất được 200 – 400 MW điện địa nhiệt.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được đánh giá là một trong 14 nước giàu tiềm năng thuỷ điện nhất thế giới, với nhiều nhà máy thuỷ điện lớn, nhỏ đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khai thác thủy điện tràn lan sẽ tác động xấu tới môi trường, dù đây được coi là cách khai thác điện rẻ nhất hiện nay.

Ngày 8/5 sắp tới, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài sẽ phối hợp với Công ty KV Venti tổ chức Hội thảo bàn về phát triển nguồn năng lượng sạch ở Việt Nam (Vietnam Re – Energy 2009), với sự tham gia của 50 chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới đầu tư khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

“Nguồn dầu mỏ và than đá đang cạn kiệt dần và những phát thải từ việc sử dụng chúng đang gây tác hại cho con người ngày càng nghiêm trọng. Thế giới đang tính đến các bài toán khắc phục hậu quả này, trong đó có một giải pháp khá quan trọng là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo”, Tiến sĩ Hoàng Văn Huấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

 

Theo VnExpress