Một số nhà khoa hoc nghiệp dư tại Nga cho rằng họ đã tìm thấy nơi yên nghỉ của một phi thuyền Liên Xô từng mất tích gần 42 năm trước.
Trong lúc phân tích những bức ảnh của Mars Reconnaissance Orbiter – phi thuyền của Mỹ đang bay quanh sao Hỏa từ năm 2006 – trên trang web của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, một số nhà khoa học nghiệp dư thuộc trang Vk.com tại Nga đã thấy dấu vết của một số thiết bị trong vài ảnh. Họ cho rằng những thiết bị đó thuộc về Mars 3, phi thuyền mà Liên Xô từng phóng lên sao Hỏa đầu thập niên 70, Fox News đưa tin.
Tàu Mars 3 trong một ảnh tư liệu của Mỹ. (Ảnh: NASA)
Liên Xô phóng hai tàu Mars 2 và Mars 3 lên sao Hỏa vào năm 1971. Mars 2 đáp xuống hành tinh đỏ vào ngày 27/11/1971 nhưng biến mất bởi một cơn bão bụi, còn Mars 3 hạ cánh xuống hố Ptolemaus ở bán cầu nam của sao Hỏa vào ngày 2/12 cùng năm. Ban đầu dường như cú đổ bộ của Mars 3 diễn ra hoàn hảo, nhưng đúng 14,5 giây sau khi truyền một tín hiệu về trái đất, đột nhiên nó im lặng. Từ đó tới nay người Nga không nhận bất kỳ tín hiệu nào từ tàu.
NASA nói rằng các chuyên gia của họ sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu hình ảnh để xem thiết bị trong ảnh thực sự là Mars 3 hay không. Tuy nhiên, NASA nhận định khả năng thiết bị là phi thuyền Liên Xô khá cao. Ngoài tàu, các chuyên gia còn thấy ba thứ giống như tấm chịu nhiệt, tên lửa hãm và dù trong hố Ptolemaeus. Chúng có kích thước tương đương tấm chịu nhiệt, tên lửa hãm và dù của Mars 3. Vị trí của chúng trong các ảnh cũng phù hợp với tiến trình đổ bộ của tàu.
Một ảnh do tàu Mars Reconnaissance Orbiter chụp trên sao Hỏa vào
năm 2007. Vật màu sáng ở giữa ảnh có thể là tàu Mars 3. (Ảnh: NASA)
Sau vụ mất tích của Mars 3, Liên Xô đã phóng hai tàu nữa lên sao Hỏa vào năm 1973, song chúng đều không hoàn thành sứ mệnh. Mãi tới năm 1976, tàu Viking 1 của Mỹ đổ bộ thành công xuống sao Hỏa, trở thành tàu đầu tiên “sống sót” trong hành trình tới hành tinh đỏ.
Theo VNE