Xã hội ngày càng phát triển, song song với sự phát triển đó là một sự cạnh tranh gay gắt. Học giỏi, chuyên môn giỏi, bằng cấp cao là chưa đủ, bằng chứng cho thấy rất nhiều những nhà lãnh đạo, người quản lí, doanh nhân thành công cao, nổi tiếng nhanh và có sức lan tỏa lớn trong xã hội là do tài giao tiếp, do khả năng diễn đạt, lập luận sắc bén của họ. Sức mạnh của lời nói, vai trò của giao tiếp rất to lớn, khó có thể đo đếm được.
Giáo dục của chúng ta còn nặng về thi cử, trẻ luôn phải miệt mài học để thi, để cố gắng giành điểm cao. Các bài thi chủ yếu lại là thi viết, bài làm trên giấy, rồi về nhà trẻ chủ yếu cúi đầu vào học, rồi ngồi máy tính, xem tivi, hơn nữa các bậc cha mẹ cũng bận rộn suốt ngày nên môi trường cho trẻ giao tiếp bị hạn chế. Thời nay, các gia đình thường có ít con, trẻ đi học về gia đình thường đóng kín cửa, không cho trẻ đi ra ngoài, tiếp xúc với bên ngoài nên trẻ càng ít được trò chuyện, được thổ lộ tâm tư, được giao tiếp với người khác.
Đa số trẻ em đều không thích nói chuyện với người lạ, nhưng chúng ta cần nhớ rằng sẽ đến một ngày chúng phải bươn chải bên ngoài, thành gia lập nghiệp, gánh vác trách nhiệm xã hội. Giao tiếp là một nghệ thuật, trẻ không thể nắm bắt nó trong ngày một, ngày hai mà cần phải được rèn luyện.
Thực tế cho thấy có những đứa trẻ thông minh, học giỏi, thi cử lúc nào cũng được điểm cao nhưng lại kiêu căng tự phụ, ít bạn bè, quan hệ với người khác rất kém, không được người khác tán đồng và tin tưởng. Những đứa trẻ đó lớn lên thường cô độc, bất mãn, khả năng thành công thấp.
Cha mẹ các bé cần quan tâm dạy cho con mình các kỹ năng giao tiếp như chia sẻ, trao đổi, thương lượng, hợp tác,… kỹ năng nói trước đông người ngay từ khi còn nhỏ để giúp trẻ tự tin trong giao tiếp.
1. Tạo môi trường cởi mở, thân thiện trong gia đình
Khi trẻ còn nhỏ, trẻ bi bô, trẻ nói chuyện, có thể có những điều trẻ nói chưa hay, chưa đúng, phát âm chưa chuẩn nhưng bố mẹ và người lớn tuyệt đối đừng chê trẻ, hãy tập trung và cổ vũ trẻ.
Khi trẻ ở lớp về, trẻ kể chuyện về cô giáo, về các bạn trong lớp, có cả điều tốt, điều chưa hay nhưng hãy lắng nghe và thấu hiểu con thay vì vội vàng phán xét. Tin tưởng và bình tĩnh trước những điều con chia sẻ, để câu chuyện của con được trọn vẹn. Sau đó chúng ta khéo léo chia sẻ với con những kinh nghiệm bản thân để con lựa chọn thay vì áp đặt.
Một số gia đình, khi con nói chuyện về các bạn, về cô giáo,… thường bị bố mẹ gạt ngay, mắng ngay là “lắm chuyện”, “chuyện vớ vẩn”,… dần dần trẻ sẽ không nói chuyện nữa, đi học về là vào phòng bật máy tính, chơi điện tử,…
Nếu trẻ cảm thấy rằng bố mẹ sẽ hào hứng khi trẻ nói chuyện thì chúng có thể nói với người lớn về bất cứ thứ gì, chúng có thể kể về con khủng long, những nhân vật trong bộ truyện Harry Potter, về Đôrêmon, Nobita hay chuyện khoa học viễn tưởng như con người ở ngoài hành tinh hay chuyện vừa xảy ra ở lớp,… Nếu trẻ cảm thấy rằng chúng sẽ làm thất vọng hoặc chọc tức bố mẹ nếu kể cho họ nghe điều gì, chúng sẽ quyết định giữ im lặng và hạn chế chia sẻ, nói chuyện với bố mẹ.
Hãy tạo môi trường gia đình thân thiện, cởi mở, tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ để trẻ được bộc lộ, được giao tiếp nhiều hơn. Tránh tỏ ra xao nhãng khi trẻ muốn nói chuyện với chúng ta.
2. Tập làm MC, tập làm diễn viên
Phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát triển, đồng hành với chúng là xuất hiện nhiều MC nổi tiếng, nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, đó là điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển giao tiếp. Trẻ thường hay thích bắt chước các nhân vật mà trẻ thích, khi đó bố mẹ cần khích lệ trẻ, đừng chê bai, trêu chọc khi trẻ muốn trở thành người nổi tiếng như trên truyền hình. Cần ủng hộ trẻ, khích lệ trẻ bắt chước làm diễn viên, làm MC. Cả nhà thỉnh thoảng nên tổ chức chơi trò chơi đóng kịch, tổ chức các “sự kiện” nhỏ trong gia đình như sinh nhật, ngày lễ, Tết, Trung thu,…
Bố mẹ có thể nêu ra các tình huống cho trẻ giao tiếp, cho trẻ diễn kịch, làm MC ở nhà. Chẳng hạn, khi các con rất thích múa hát thì thỉnh thoảng cả nhà nên tổ chức một “liên hoan văn nghệ tạp kỹ”. Nghĩa là, mỗi người trong gia đình vừa là khán giả, vừa là diễn viên, con sẽ là MC dẫn chương trình, giới thiệu các tiết mục cho mỗi thành viên trong gia đình “biểu diễn”, các con có thể múa hát, bố/ mẹ đọc thơ, kể chuyện,…
3. Cho con vui chơi, tham gia nhiều hoạt động tập thể
Vui chơi chính là cây cầu bắc nhịp kết nối giữa mọi người với nhau, kết nối với xã hội rộng lớn.
Ta biết, vui chơi là hoạt động được yêu thích nhất trong các hoạt động của trẻ, hầu như đứa trẻ nào cũng thích chơi. Chúng ta đều có thể thấy, khi chơi trẻ rất vui vẻ, nếu cho trẻ chơi cùng nhiều bạn khác sẽ nâng cao khả năng hợp tác và khả năng giao tiếp, trẻ tự tin hơn. Các bậc cha mẹ nên khuyến khích, tạo cơ hội, tạo môi trường cho con tham gia hoạt động tập thể, vui chơi cùng các bạn khác. Trong lúc tham gia các hoạt động tập thể nên chuẩn bị các “kịch bản” cho trẻ đóng vai, trẻ làm MC.
Mặc dù câu nói “im lặng là vàng” không bao giờ lỗi thời nhưng trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, chỉ im lặng là không đủ, tài ăn nói, diễn đạt lưu loát, khả năng giao tiếp tốt là hành trang cần thiết của người thành công!
Thành Tâm
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.