Tôi hoàn toàn không đồng ý với câu chuyện đánh con của mẹ Zôm trong bài viết gần đây trên Em đẹp. Tôi biết có nhiều mẹ vẫn gật gù đồng ý với những lập luận rất hợp lý và sâu sắc đó, bản thân tôi cũng thấy như vậy. Có điều, những lý lẽ ấy đã không còn phù hợp với xã hội hiện nay nữa. Vì sao ư?
1. Mỗi một quan niệm đều có thời của nó
Nho giáo với lối tư duy sùng cổ, bác bỏ cái mới, chỉ coi trọng những nề nếp chuẩn mực, coi trọng những “khuôn vàng thước ngọc” của cổ nhân,… đã đi qua cái thời hoàng kim của nó. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng Nho giáo không xấu, chính Nho giáo với lối giáo dục mẫu mực, chuẩn chỉ ấy đã tạo ra cho đất nước ta rất nhiều nhân tài, qua những năm tháng ông cha ta làm nông nghiệp và chống giặc ngoại xâm. Nhưng thực tiễn thay đổi thì tư duy và lý luận cũng cần thay đổi, không thể nói mãi về một điều đã cũ.
Thế nên, câu chuyện “đánh con có phải là cái tội” của mẹ Zôm đã phần nào trở nên lỗi thời. Phần lớn chúng ta được giáo dục theo cách của thế hệ trước, từ ông nội rồi truyền đến đời bố mẹ mình, nhưng không có nghĩa chúng ta cứ phải áp dụng mãi cái cách mà những thế hệ trước đã làm.
2. Đánh con vì điều gì?
Rất nhiều bậc cha mẹ bao biện rằng: “Tôi đánh con không phải để thỏa mãn sự nóng giận nhất thời, mà là con tôi thật sự cần một biện pháp mạnh hơn”. Họ luôn khẳng định rằng mình chỉ đánh con khi có sự giám sát, nhắc nhở chặt chẽ mà con không tiến bộ, đồng thời vẫn tỏ ra “dân chủ” ở việc nói rõ lý do vì sao con bị đánh và quy định rõ mức đánh là bao nhiêu roi,… Nhưng thực ra, theo tôi đây chỉ là sự bao biện cho tinh thần độc đoán trong giáo dục mà thôi. Lý do duy nhất khiến những ông bố/bà mẹ vẫn còn đánh con là ở chỗ:
– Họ khẳng định chỉ có phương án/ lựa chọn họ đưa ra là đúng, tuyệt đối đúng mà không có cách nào tốt hơn. Nếu con không nghe theo thì đương nhiên sẽ bị… ăn đòn!
Trở lại câu chuyện về cánh cửa tủ lạnh, tôi hiểu ý của tác giả bài viết. Khi chị quyết định dùng roi vọt với con thay vì gắn một tấm biển khuyến cáo như lời khuyên của người hàng xóm kia, tôi hiểu, chị muốn nói rằng không thể “đi theo” con mà gắn mãi những “tấm biển” khuyến cáo cho con trong mọi việc. Tuy nhiên, có nhiều hơn một cách để phạt con trong chuyện này, chẳng hạn không cho con đi chơi, cắt đi phần kem của con vào buổi cuối tuần…
– Họ nhận thấy không thể cho con thêm thời gian để hoàn thiện bản thân và nhận thức lại. Bắt buộc con phải làm theo quan điểm của họ ngay lúc đó. Và nếu con không nghe theo thì đương nhiên sẽ (lại) bị… ăn đòn!
Ngay cả khi họ giải thích rằng đã chờ đợi “một thời gian” để giám sát, nhắc nhở nhưng con vẫn vi phạm, vì thế họ mới đánh con, thì cũng vẫn là một dạng độc đoán. Bởi lẽ, con cái có thể cần đến vài năm, thậm chí đến tận khi trưởng thành để hiểu một điều mà cha mẹ nói. “Tôi không thể để nó tái phạm liên tục cho đến khi trưởng thành” chính là quan niệm nôn nóng và bế tắc của những người làm cha, làm mẹ. Theo tôi, cứ để con phát triển tự nhiên, đừng quá độc đoán, ta sẽ nhận ra ngay đâu là hạn chế, đâu là thế mạnh của con. Có những đứa trẻ thông minh nhưng đểnh đoảng, có những đứa trẻ vẽ đẹp, xếp hình giỏi, luôn gọn gàng nhưng không nhanh nhẹn trong ngôn ngữ, có những đứa trẻ thích trồng cây, yêu thiên nhiên nhưng quá mức lề mề… Hiểu đúng về con, ta sẽ có nhiều hơn một biện pháp để nhắc nhở, kiểm tra, chấn chỉnh, giúp con khắc phục tối đa hạn chế và ứng phó tốt hơn trong mọi tình huống, giảm thiểu rắc rối,… thay vì bắt con phải hoàn thiện những lỗi nhỏ nhặt, vụn vặt ngay từ khi còn nhỏ chỉ vì sợ đòn roi của cha mẹ mình. Mô hình đứa trẻ không phạm lỗi thật ra là cái mô hình ngớ ngẩn và không tưởng nhất mà những người dùng roi vọt với con luôn dùng để bao biện.
3. Trên tất cả vẫn là tình yêu thương?
Cuộc đời luôn có nhiều đáp án cùng đúng cho một tình huống, như việc trở thành một người có ích không nhất thiết phải đỗ đại học, hay để trở thành một cô giáo cũng không hẳn phải thi ngành sư phạm… Quan trọng nhất là con phải dũng cảm để lựa chọn và chấp nhận mọi khó khăn trong sự lựa chọn của mình. Ta đánh con để con sợ ta từ nhỏ thì khi lớn lên con sẽ quyết định mọi điều không phải vì con mà là sợ cha mẹ không hài lòng.
Nếu ta đem cái lý luận yêu thương ra để giải thích và bao biện rằng, ta đánh con nhưng vẫn để cho con cảm thấy nó được yêu thương và không đơn độc, thì thật ra là ta đang dồn lên vai con quá nhiều áp lực. Áp lực của sự áp đặt, bắt ép, lại thêm cả tình yêu được viện dẫn, nhân danh. Tôi biết có những cô gái chỉ muốn sống độc thân, muốn ăn chay, muốn dành tiền làm đẹp và vui vẻ với ngôi nhà thuê, nhưng mẹ của cô ấy muốn con phải lập gia đình với một người đàn ông có công việc ổn định, muốn cô ăn uống bình thường như bao người khác, muốn cô tích cóp tiền để cố mua cho được một ngôi nhà vì mẹ cô không chịu nổi cảm giác con mình phải ở nhà thuê… Đã bao giờ ta cảm thấy, vì yêu thương, ta đã làm con “ngạt thở” thế nào?
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.