Với trẻ con, chưa bao giờ là quá sớm khi bạn dạy chúng cách kiếm tiền và trân trọng giá trị sức lao động.
“Có làm thì mới có ăn/ không dưng ai dễ đem phần đến cho”
Nếu như đứa trẻ của bạn đang muốn có một con búp bê xinh đẹp hoặc một chú robot siêu nhân cho giống với cậu nhóc hàng xóm, thì cách tốt nhất bạn nên làm không phải là mua ngay cho cô cậu nhóc những thứ chúng muốn. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi “Con thích con búp bê đó lắm à? Nhưng phải có tiền mới mua được? Vậy con hãy gấp quần áo cho vào tủ, mang giúp mẹ cái này cái kia, lau cho mẹ cái nhà, xong việc mẹ sẽ trả công cho con để con có tiền mua đồ chơi…”
Lần đầu tiên có thể đứa trẻ của bạn chưa hiểu chuyện và sẽ mè nheo, nhưng bạn nên bình tĩnh và giải thích cho chúng hiểu là “con cần phải làm một điều gì đó có ích thì con mới có được cái mình muốn, bố mẹ cũng phải đi làm hàng ngày, làm việc thật có ích để nuôi con”, mỗi ngày bạn dạy con một chút như thế thì bé sẽ hiểu ra tầm quan trọng của tiền bạc.
“Không phải cái gì cứ muốn là được”
Mấy đứa nhóc là “Chúa” đòi hỏi, chúng sẽ càng ngày càng nâng cao cấp độ đòi hỏi của mình khi mà chúng được đáp ứng một cách dễ dàng. Để ngăn chặn tình trạng “hưởng thụ sớm” này, phụ huynh nên đưa ra những phương án để con mình học cách cân nhắc “giờ con muốn mua ba lô hay giầy? Con thấy cái nào cần hơn? Giờ bố mẹ chỉ có thể giúp con một thứ, thứ còn lại con sẽ phải dành tiền tiết kiệm để mua hoặc làm thêm việc gì đó trong gia đình…”. Hãy tin rằng, những lời nói của bạn được nói ra hàng ngày sẽ ám thị đến tư tưởng của bọn trẻ và dần chúng sẽ hiểu được vấn đề mà bạn đang truyền tải.
Hãy kiên nhẫn
Nếu như con bạn đã biết kiếm tiền hàng ngày nhờ những công việc nho nhỏ như: dọn nhà, bỏ quần áo vào máy giặt, lau cốc chén…thì bạn cần thêm một “thao tác” nữa đó là dạy chúng biết tiết kiệm. Hãy nhẹ nhàng hướng dẫn cách bỏ lợn khi con có 10 nghìn đồng. ví dụ: khi con có 10 nghìn, bạn có thể khuyên chúng bỏ ra 1 nghìn cho vào lợn để mua những thứ chúng thích sau này, còn 9 nghìn kia sẽ để mua những thứ hiện tại mà chúng cần. Bài học “tích tiểu thành đại” bạn sẽ luôn phải nói với bé để bé thuộc nằm lòng và biết kiên nhẫn để chờ đến ngày “đập lợn” và mua được món đồ mà bé thích.
Tập làm “con buôn” hàng thanh lý
Con bạn có rất nhiều đồ chơi không dùng đến, bé đã ở độ tuổi 7-13, hoàn toàn có thể sử dụng “sức lao động” và thời điểm này, bạn có thể hướng dẫn bé tham gia những gian hàng thanh lý online trên mạng hoặc những phiên chợ thanh lý hàng tuần ở một số khu vực trong nội thành. Lần đầu tiên hãy đi cùng và hướng dẫn bé cùng một số người bạn học chung tham gia phiên chợ, con bạn sẽ lớn dần lên từ những lần va chạm thực tế như thế này.
Hãy biết cho đi
Nếu chỉ dạy cho con cách kiếm tiền và cách quản lý tiền bạc thì vô hình chung bạn sẽ biến con mình trở thành một người lý trí đến lạnh lùng. Hãy luôn đánh thức niềm tin yêu con người với con cái, cho chúng xem những câu chuyện về những đứa trẻ đang gặp khó khăn trên khắp Việt Nam và thế giới để chúng hiểu chúng đang được sống hạnh phúc đến thế nào? Nếu có thời gian hãy đưa con đến những trung tâm từ tiện nhận con nuôi để trẻ tập nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống và mở lòng với những hoàn cảnh éo le hơn mình.
Gợi ý cho bé biết cách san sẻ yêu thương bằng cách thu gom những bộ đồ đã qua sử dụng nhưng còn mới, giặt sạch sẽ gấp lại cẩn thận và chờ dịp để đem tặng cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Nếu bạn để ý một chút, bạn sẽ biết con mình đang quý mến một ai đó, hãy gợi ý cho con mua quà tặng người mà con đang quý mến bằng số tiền đút lợn mà con bạn có, nói đến chuyện người đó có thể sẽ rất vui khi được nhận những món quà như vậy…cứ như thế, hãy nhân rộng lòng bao dung của con ngày một lớn thêm, có thể bây giờ con bạn sẽ cho rằng bố mẹ hơi “độc tài” khi quá sòng phẳng, nhưng sau này khi con bạn trưởng thành chúng sẽ phải biết ơn những giá trị nền tảng mà bạn đem lại cho cuộc đời chúng, những giá trị làm nên nhân cách một con người!
Diệu Quỳnh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.