Để biết nước dùng có nhiễm asen

0
105

Hiện nay, ở Hà Nội và một số vùng lân cận, nhiều hộ gia đình rất lo lắng nước sinh hoạt có nhiễm asen và làm thế nào để nhận biết, cũng như cách xử lý nếu chẳng may nước không sạch.

Theo Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Bộ môn Công nghệ hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, không thể nhận biết được asen trong nước qua cảm quan. Kể cả nước trong và có cảm giác sạch vẫn có thể chứa chất độc này. Việc đun sôi và lọc vi trùng cũng không loại được asen, mangan và một số kim loại nặng khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, lượng asen trong nước dưới 10 ppb được coi là an toàn cho người sử dụng. Muốn biết chính xác nước nhà mình có an toàn cho ăn uống hay không, các hộ gia đình có thể mang mẫu nước đến kiểm tra trực tiếp tại khoa Hoá, Đại học tự nhiên, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Tiến sĩ Côn cho biết, với những hộ gia đình, nhà trẻ có thể được kiểm tra mẫu nước miễn phí, còn nếu phải kiểm tra nhiều mẫu nước của nhiều hộ, mức phí chỉ khoảng 50.000 đồng/mẫu.

Ngoài ra, các hộ dân có thể đem mẫu nước đến phân tích tại Viện Công nghệ môi trường tại 18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội hoặc Trung tâm công nghệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Phòng Hóa Phân tích – Quang phổ (Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ VN) cũng vừa nghiên cứu và chế tạo thành công kit kiểm tra nhanh nồng độ asen trong nước. Theo phương pháp này chỉ mất 7 phút có thể biết được nguồn nước có bị nhiễm asen hay không.

Khi biết nước của gia đình bị nhiễm asen trên mức cho phép, bạn có thể sử dụng các thiết bị đã được nghiên cứu và công nhận có khả năng lọc asen như: bình lọc asen trong nước sinh hoạt của tập thể cán bộ khoa Hoá, Đại học tự nhiên Hà Nội, hoặc tham khảo mô hình bể lọc của Trung tâm Nước sinh hoạt VSMT nông thôn Hà Tây với 1 lớp cát vàng hạt thô dày 50 cm, phía dưới là lớp cuội dày 10 cm để lọc; đồng thời phía trên có giàn phun mưa đơn giản bằng ống nhựa PVC. Bể lọc này sẽ loại trừ được 90% asen trong nước.

Ngoài ra, các nhà khoa học trong nước đang nghiên cứu phương pháp mới do các nhà khoa học Đức giới thiệu là sử dụng các loại rễ cây lau sậy sống trong bùn để xử lý nước thải chứa lưu huỳnh và asen hoặc dùng dương xỉ để lọc asen khỏi nước mặt.  

Yến Minh

 

Theo Vnexpress