Đếm thai máy, biết sức khỏe con

Thông thường, mẹ phải chờ 14 đến 20 tuần mới có thể cảm nhận được những cử động đầu tiên của bé. Với những bà mẹ lần đầu mang thai, thời điểm bắt đầu thấy thai máy sẽ chậm hơn so với người đã có con.
Ban đầu, những chuyển động này rất nhẹ, đến nỗi có mẹ còn tưởng là mình bị sôi bụng và bạn phải nằm xuống và phải thật chú tâm thì mới “bắt” được. Cùng với sự phát triển của bé, những cú hích, đạp… cũng sẽ mạnh dần lên và không chỉ mẹ mà cả ba cũng có thể cảm nhận được bằng cách đặt tay lên thành bụng. Trong những tháng cuối thai kỳ, có bé còn chuyển động mạnh đến nỗi mẹ có thể nhìn thấy dấu bàn chân con đạp trên thành bụng.

Nếu sau 5 tháng mà mẹ vẫn chưa thấy chuyển động thai thì đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Khi nào nên bắt đầu theo dõi thai máy?

Tuần thai thứ 22 đến 26 là thời gian thích hợp để bắt đầu theo dõi cử động của bé yêu. Những cử động lúc này đã khá mạnh mẽ, đều đặn và mẹ dễ dàng nhận ra. Thời gian phổ biến nhất mà các bác sĩ khuyên mẹ nên bắt đầu theo dõi là tuần thứ 28 của thai kỳ.

Cách theo dõi thai máy

Theo dõi thai máy là cách đơn giản và tiện lợi nhất để hiểu tình trạng sức khỏe của thai nhi. Mỗi ngày mẹ nên theo dõi thai máy vào các buổi sáng, trưa, tối hoặc tối thiểu 1 lần trong ngày. Mỗi lần, mẹ cần dành ra 30 phút liên tục để đếm số lần thai cử động.
Một em bé khỏe mạnh có ít nhất 4 lần cử động trong 30 phút. Nếu không đủ số này, có thể bé đang ngủ.
Thời gian ngủ của bé có thể kéo dài từ 20 phút đến 2 giờ. Trong trường hợp không thấy cử động thai, mẹ nên tiếp tục đếm đến 1-2 giờ nữa.
Nếu trong 1 giờ có trên 4 cử động thai, mẹ có thể yên tâm về sức khỏe của bé.
Nếu trong 4 giờ có trên 10 cử động thai, bé đang trong tình trạng sức khỏe tốt.
Nếu trong 4 giờ mà thai máy ít hơn 10 lần hoặc máy yếu, mẹ nên đến bệnh viện để theo dõi sức khỏe của thai bằng những phương pháp chuyên môn.

Thai máy nhiều có tốt không? 

Chuyển động thai quá nhiều cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng bé khỏe. Đôi khi hoạt động mạnh và nhiều bất thường lại “tố cáo” một vấn đề khó khăn mà bé đang gặp phải như bị thiếu oxy, dây rốn quấn cổ. Vì vậy, khi cảm thấy những dấu hiệu đáng lo, mẹ nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Phân biệt thai máy và cơn gò 

Vào những tháng cuối của thai kỳ, bên cạnh chuyển động của bé, mẹ còn có thể cảm thấy các cơn gò sinh lý, vốn là những đợt luyện tập của tử cung cho việc sinh nở. Các cơn gò này thường không gây đau và không nguy hiểm cho mẹ. Các cơn gò sinh lý thường bị nhầm lẫn với thai máy.
Cách phân biệt như sau: Cơn gò sinh lý có tính lan tỏa, thường bắt đầu từ vùng bụng phải và làm cho cả vùng bụng gò cứng lên, trong khi thai máy chỉ tác động đến một vùng nhất định.
Ngoài ra, từ tuần thứ 36, thai nhi sẽ chuyển động ít hơn vì lúc này tử cung đã trở nên chật hẹp, bé không còn nhiều không gian để vùng vẫy như khi còn nhỏ nữa.
(Theo MB)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.