Một trong những loại hình sân khấu đặc trưng nhất của đảo Bali là điệu múa Kecak.
Tới thăm hòn đảo Bali, rất nhiều người lựa chọn thêm các hoạt động văn hóa để tìm hiểu sâu sắc hơn cuộc sống và cách suy nghĩ của con người nơi đây. Một trong số những buổi biểu diễn múa được nhiều người thích thú, tìm đến là biểu diễn múa Kecak.
Điểm biểu diễn Kecak nổi tiếng nhất đảo là đền Uluwatu, trên vách núi nhô ra biển vào lúc hoàng hôn buông xuống. Ngoài ra, còn có một số điểm biểu diễn khác trong các ngôi đền ở trung tâm Ubud.
Các bài múa Kecak dựa trên tích truyện Hindu về các vị thần, thánh của hòn đảo hoặc trên các tích sử thi nổi tiếng. Không giống như các bộ môn múa khác, múa Kecak có sự tham gia của đàn ông thay vì phụ nữ. Từ 30 đến cả trăm vũ công nam mình trần, phía dưới quấn sarong, tập trung thành vòng tròn bên những đống lửa bập bùng khi đêm xuống, tạo nên không khí bí ẩn như từ nhiều năm về trước. Các diễn viên tham gia tích kịch cả nam và nữ đều mặc trang phục truyền thống, được phụ họa bởi điệu múa kecak và điệp khúc của những người đàn ông.
Sân khấu biểu diễn Kecak thường nhỏ và trung tâm là một đống lửa để tập trung sự chú ý. Thoang thoảng trong không khí, du khách còn có thể ngửi thấy hương thơm dịu của hoa lan.
Khi bài diễn bắt đầu, những người đàn ông cuốn sarong đen, trắng truyền thống, tai cài hoa dâm bụt đỏ sẽ nhào ra sân khấu với những tiếng hú kỳ quái. Sau đó, họ mới xếp vòng tròn, vừa lắc lư, vừa đồng thanh những tiếng: “Chack-achak…” làm nhạc nền, thay cho dàn nhạc truyền thống. Điệp khúc này sẽ lên xuống, trầm bổng tùy theo diễn biến tích kịch được các diễn viên trong trang phục đặc trưng Bali rực rỡ diễn ở phía trên.
Cả bài biểu diễn kéo dài khoảng hơn 1 giờ và cuối buổi diễn, du khách có cơ hội chụp ảnh cùng các vũ công và mua các món đồ lưu niệm thủ công có bán quanh khu vực. Với cách kết hợp truyền thống và du lịch, hòn đảo Bali vẫn tự hào giữ gìn được rất nhiều giá trị cổ xưa, tránh để chúng mai một cùng với thời gian.