Đến năm 2022, Trung Quốc sẽ có trạm vũ trụ quốc tế đầu tiên

Đến năm 2022, Trung Quốc sẽ có trạm vũ trụ quốc tế đầu tiên

Trung Quốc mới đây hiện tham vọng chinh phục không gian với việc công bố 8 năm nữa sẽ xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên.

Dương Lợi Vĩ, phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời là Phó giám đốc Cơ quan Không gian có người lái của quốc gia, thông báo quyết định xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên trong họp báo thường niên của Hiệp hội các nhà khám phá không gian.

Đến năm 2022, Trung Quốc sẽ có trạm vũ trụ quốc tế đầu tiên
Việc xây dựng trạm vũ trụ nằm trong chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, thể hiện tham vọng chinh phục không gian của quốc gia này. (Ảnh: Shanghaiist)

Theo đó, sau khi phóng thành công phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 vào năm 2016, tàu Thần Châu 11 và một tàu chở hàng sẽ được đưa vào không gian. Trong năm 2018, một module không gian thử nghiệm lõi sẽ được đưa lên trước.

Trung tâm phóng mới ở tỉnh Hải Nam hiện sắp hoàn thành và có thể sử dụng để phóng các phương tiện bay vào không gian, Xinhua dẫn lời ông Dương nói.

Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc được chính phủ nước này phê duyệt năm 2010. Kể từ đó đến nay, chương trình đã được thực hiện theo kế hoạch, với sự phát triển của một số module, phương tiện không gian và các cơ sở trên mặt đất.

Việc phát triển phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2, tàu vũ trụ chở hàng và tàu Thần Châu11 cùng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F thuộc giai đoạn quan trọng. Phi hành gia và các cơ sở trên mặt đất sẽ sớm bắt đầu chuẩn bị cho nhiệm vụ. Module thí nghiệm và hai trạm không gian cũng sẽ được thử nghiệm sớm.

Trước đó, Trung Quốc từng phóng thành công phòng thí nghiệm không gian đầu tiên mang tên Thiên Cung 1 vào tháng 9/2011. Tháng 6/2012, Thiên Cung 1 kết nối với tàu vũ trụ Thần Châu 9. Một năm sau, Thần Châu 10 kết nối với Thiên Cung 1, cho phép ba phi hành gia trên con tàu vũ trụ tiến hành một thí nghiệm vật lý.

 

Theo Vnexpress